Sản xuất than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 21 nhà máy, 25 nhà máy còn lại phải sử dụng nguồn nhập khẩu lên tới 48 triệu tấn. Đến 2030, than nội địa chỉ còn đáp ứng được khoảng 31 triệu tấn, trong tổng nhu cầu lên tới 160 triệu tấn than cho 70 nhà máy nhiệt điện. Lượng than nhập khẩu giai đoạn này lên tới 130 triệu tấn.
Đó là những con số mà ngành than đang phải đối mặt hiện nay. Nguồn cung tăng chậm mà lượng cầu thì lại quá lớn. Tập đoàn CN Than-Khoáng sản vẫn đang nan giải vấn đề cung cầu.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện chạy than trong giai đoạn 20 năm tới là vô cùng lớn.
Giai đoạn 2011 - 2020, sẽ có 46 nhà máy điện than đi vào vận hành, với tổng lượng than tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn. Trong đó, sản xuất than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 21 nhà máy, với khối lượng 29 triệu tấn; 25 nhà máy còn lại phải sử dụng nguồn NK với lượng NK lên tới 48 triệu tấn. Đến 2030, than nội địa chỉ còn đáp ứng được khoảng 31 triệu tấn, trong tổng nhu cầu lên tới 160 triệu tấn than cho 70 nhà máy nhiệt điện trong quy hoạch. Lượng than NK giai đoạn này lên tới 130 triệu tấn.
Hiện nay những mỏ than có thể khai thác lộ thiên hầu như không còn, nên việc tăng sản lượng khai thác trong những năm tới chủ yếu trông chờ vào hoạt động khai thác hầm lò. Đây là công nghệ khai thác đặc biệt khó khăn, phức tạp và không thể cho sản lượng cao như khai thác lộ thiên. Mặt khác, khai thác hầm lò đòi hỏi phải khảo sát, thăm dò kỹ lưỡng, rồi mới xây dựng mỏ và khai thác. Đấy cả là một quy trình tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cho biết để thực hiện mục tiêu quy hoạch đến năm 2015, trong bốn năm tới ngành than sẽ phải thực hiện 2,23 triệu mét khoan thăm dò, tương đương khối lượng ngành này làm trong 57 năm qua!
Tuy công nghệ khoan giờ đây đã phát triển hơn trước, nhưng đó vẫn là một khối lượng công việc khổng lồ. Liệu ngành than có đủ sức hoàn thành trong một thời gian rất ngắn như vậy? Nếu đây là nhiệm vụ bất khả thi, thì tất cả các con số theo sau nó về sản lượng sẽ chỉ là những mục tiêu trên giấy.
Bộ Công Thương tính toán, trong quy hoạch lần này, chủ trương là sẽ khai thác tối đa tiềm năng than của bể than Đông Bắc, bể than sông Hồng tùy thuộc quá trình khai thác thử nghiệm và chỉ đưa vào cân đối nguồn than bể sông Hồng từ năm 2020, với sản lượng khoảng 0,5 - 1 triệu tấn than thương phẩm, đầu tư xây dựng mới các mỏ với công suất 3 triệu tấn/mỏ/năm tại các khu vực đang thăm dò thử nghiệm.
Giai đoạn đến 2015, ngành than sẽ đầu tư, cải tạo nâng công suất 61 mỏ hiện có; đầu tư mới 25 mỏ, đạt sản lượng 55 - 58 triệu tấn. Quy hoạch ngành than cũng dự kiến một lượng vốn đầu tư khổng lồ đến năm 2020 khoảng 317.736 tỉ đồng (bình quân mỗi năm vốn đầu tư cần khoảng 35.304 tỉ đồng).
Theo ông Vũ Thành Lâm - Phó TGĐ Viancomin: “Vẫn XK những loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng”. Đây là những chủng loại than chất lượng tốt, giá thành cao và còn có tác dụng giữ mối quan hệ bạn hàng của Vinacomin.
Năm 2012 này, Vinacomin dự kiến vẫn XK 13,5 - 14,5 triệu tấn, trong tổng lượng than thương phẩm sản xuất được 45,5 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 31 - 32 triệu tấn. Đến năm 2015, ông Lâm cho biết, Vinacomin vẫn còn XK khoảng 3 triệu tấn than/năm.
Vấn đề có tính quyết định đối với quy hoạch than, theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng là chính sách giá than. Hiện chỉ còn giá than bán cho điện là chưa đạt bằng giá thành. Theo tính toán, mức giá này mới bằng 57 - 63% giá thành sản xuất than năm 2010 đã được kiểm toán và bằng 51 - 55% giá thành năm 2011.
Theo quy hoạch, để có thêm 18 triệu tấn than vào năm 2020, cần phải đầu tư 317.736 tỉ đồng, tức khoảng 15 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện nay. Đây là chi phí để mở thêm 47 mỏ than mới và khai thác hết công suất 61 mỏ than hiện có, cùng với xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ. Như vậy, để tăng thêm một tấn công suất khai thác, phải đầu tư tới 833 đô la Mỹ. Suất đầu tư như vậy là quá cao.
Cũng như các quy hoạch ngành khác, quy hoạch phát triển ngành than vẫn còn nặng về việc phát triển công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, vấn đề tiết kiệm và giảm tổn thất, vốn là hướng tiếp cận hiệu quả và ít tốn kém hơn, lại hết sức mờ nhạt.
Theo Vinanet