Sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 4-2012 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, lượng hàng tồn kho ở một số mặt hàng như phân bón đã giảm so với tháng 3 nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại vẫn thiếu sự bền vững do chưa thoát khỏi khó khăn chung. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải tại cuộc họp báo trực tuyến về sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4-2012 tổ chức chiều 2-5 tại 2 đầu cầu Hà Nội và TPHCM. Theo Bộ Công thương, sức mua hàng hóa trên thị trường trong tháng 4 có xu hướng tăng so với tháng 3, tuy nhiên mức tăng không đáng kể và thị trường tiếp tục kém sôi động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 4 ước đạt 192,4 ngàn tỷ đồng, tăng 21,1% so với tháng 4-2011. Tính chung 4 tháng, ước đạt 762,15 ngàn tỷ đồng, tăng 28,9%. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%.
Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng 3 và tăng 14,3% so với tháng 4-2011. Tính chung 4 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng, cán cân thương mại đang dần được cân bằng, nhập siêu chỉ ở mức 200 triệu USD. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, thị trường xuất khẩu đang bị co lại… Trong năm 2012, bộ sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng đó là duy trì và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm giúp các DN Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13%, đạt 108 tỷ USD trong năm 2012. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hướng người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng hóa Việt Nam, nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu. Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin chính xác diễn biến thị trường đến người tiêu dùng, nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân cùng các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát giá cả, không để thông tin sai lệch gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân...
Theo SGGP
|