Các đối tác Hàn Quốc sẽ xem xét nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông, thủy hải sản của Việt Nam để đáp ứng tiêu dùng trong nước.
Các đối tác Hàn Quốc đã khẳng định như trên tại hội thảo về cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức.
Phía Hàn Quốc cho biết, sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc hiện đang bị co hẹp, nên nhu cầu nhập khẩu nông, thủy hải sản chiếm tỉ trọng khá cao so với sản xuất trong nước.
Trong khi đó, khu vực ĐBSCL của Việt Nam có nhiều lợi thế để xuất khẩu lương thực, thủy hải sản, nông sản khác vào Hàn Quốc. Hiện nay, mặt hàng thủy sản, cà phê của Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn Quốc khá nhiều nhưng mặt hàng gạo và nông sản khác thì còn hạn chế và trong quá trình xem xét.
Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo/năm và đang xem xét mua gạo từ Việt Nam bởi người Hàn Quốc rất ưa thích các giống gạo thơm, dẻo, không gãy vụn. Tuy nhiên, điểm yếu của gạo Việt Nam là chất lượng không đồng nhất do quá trình thu mua còn lẫn một vài giống lúa.
Theo số liệu từ VCCI, nhiều năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong 2 năm gần đây, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, đồng thời là quốc gia có lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam nhiều thứ hai. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều giữa đạt 18,5 tỷ USD.
Hiện có 8/13 tỉnh thành ĐBSCL có quan hệ mậu dịch với Hàn Quốc, nhưng kim ngạch thương mại giữa các địa phương này với Hàn Quốc chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch giữa hai nước. ĐBSCL xuất sang Hàn Quốc các mặt hàng gồm thủy hải sản, nấm rơm, dừa trái, sản phẩm từ dừa.
Tính trên cả nước, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hàn Quốc tính đến cuối năm 2011 xếp thứ hai sau Singapore, đạt 22,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tại khu vực ĐBSCL, chỉ có 5/13 địa phương là Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ thu hút được 55 dự án FDI từ Hàn Quốc với số vốn đăng ký 1,032 tỷ USD. Hơn nữa, hầu hết các dự án này đều nằm ở các địa phương gần TP Hồ Chí Minh.
Ông Jang Jin, Thương vụ - Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh cho rằng để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Hàn Quốc, khu vực Tây sông Hậu (nằm xa TP Hồ Chí Minh) cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có vấn đề phát triển vận tải bằng đường thủy thông qua luồng sông Hậu và đây là điều kiện đầu tiên mở đường cho nhà đầu tư vào kinh doanh.
Theo thuongmai.vn