Ngày 7-6-2012, đề án “Kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015” đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phương tiện vận tải đường sắt.
Đến năm 2015, sản lượng hàng hóa luân chuyển qua đường sắt sẽ đạt 27.424 triệu tấn/km; lượng luân chuyển hành khách đạt 27.774 triệu hành khách/km; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 10% trở lên.
Nội dung của đề án tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp 1; ưu tiên hoàn thành cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống nhất đạt tốc độ kỹ thuật tối đa 120 km/h đối với tàu khách và 80 km/h đối với tàu hàng.
Cùng với đó, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc độ cao Hà Nội – TP.HCM, đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Đồng Đăng; khi có điều kiện cho phép thì triển khai một số đoạn, tuyến đã được lựa chọn. Cơ bản hoàn thiện hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt trên các tuyến đường sắt quốc gia. Liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để làm tổng thầu thực hiện các dự án xây dựng mới đường sắt, đường đô thị. Huy động các nguồn lực xây dựng đường sắt kết nối đến cảng biển, khu công nghiệp, khu mỏ và trung tâm dịch vụ lớn; chủ động chuẩn bị các dự án phát triển đường sắt, ưu tiên tham gia đầu tư đường sắt đô thị theo hình thức hợp tác công – tư.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2015 sẽ triển khai thực hiện và đưa vào khai thác từng phần tiến tới toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 tại Thủ đô Hà Nội, đường sắt trên cao Trảng Bom – Hòa Hưng tại TP.HCM; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài. Xây dựng ga Hà Nội thành ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, vừa là trung tâm dịch vụ đa năng.
THANH LONG