Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa cũng như của các chuyên gia xung quanh những bất hợp lý về đề án thu phí giao thông đường bộ đã được nêu lên trong hội thảo “Phí giao thông đường bộ - thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp” do Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM phối hợp với Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM và Hiệp hội giao nhận kho vận tổ chức tại TP.HCM sáng nay, ngày 9-5-2012.
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng nghị định thu phí bảo trì đường bộ có nhiều điểm bất hợp lý, gây thiệt hại to lớn đối với các doanh nghiệp vận tải. Cụ thể, nghị định quy định vừa đánh phí cả trên đầu phương tiện là “máy kéo” vừa đánh trên “rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo” là vô cùng bất hợp lý bởi vì thực chất đây là một tổ hợp, nếu tách rời đầu kéo hoặc rơ moóc thì chúng không thể nào hoạt động được. Ngoài ra, cánh tính thuế cào bằng trên đầu mỗi phương tiện cũng gây bức xúc lớn. Những lúc xe hư hỏng phải nằm lại để sửa chữa, xe bị tai nạn bị tạm giữ, xe vận chuyển trong nội bộ cảng… không tham gia sử dụng đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí hàng năm là điều vô lý và trái với quy định về phí tại pháp lệnh phí và lệ phí.
Theo ông Dinh, việc thu phí bảo trì đường bộ nên tiến hành thu qua xăng dầu, vừa đảm bảo tính công bằng, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, cần phải có cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ một cách rõ ràng và minh bạch. Hàng năm Nhà nước phải công bố những tuyến đường nào được bảo trì, sửa chữa, kinh phí là bao nhiêu và thời gian tiến độ thi công rõ ràng để người dân giám sát, tránh thất thoát lãng phí.
Ông Nguyễn Ngọc Huyện, Giám đốc công ty CP Giao nhận – Vận tải Quang Châu cho biết thêm hiện nay các tuyến đường vận tải chủ yếu được xây dựng theo hình thức BOT. Khi lưu thông trên những tuyến đường này các nhà vận tải bắt buộc phải đóng phí giao thông (bao gồm cả các phí bảo trì đường bộ) cho các trạm thu phí. Nay bắt phải đóng thêm cả phí bảo trì đường bộ sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.
Ngoài ra, theo ông Huyện các trạm thu phí hiện nay rất dày đặc. Theo quy định, các trạm thu phí phải đặt cách nhau 70 km nhưng thực tế từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước với cự ly 100 km đã có tới 3 trạm thu phí. Tương tự từ Cát Lái đi Cần Thơ với khoảng cách 190 km nhưng phải qua tới 5 trạm thu phí. Có những trạm như trạm Vĩnh Phú đến trạm Bình Triệu chỉ cách nhau có 8 km. Không những vậy, vị trí đặt trạm thu phí theo kiểu công trình một nơi nhưng đặt trạm thu phí ở một nơi khác như trạm thu phí xa lộ Hà Nội đặt tại xa lộ Hà Nội thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, trạm thu phí Tào Xuyên đặt trên quốc lộ 1A lại thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP.Thanh Hóa… Điều này dẫn đến việc thu phí oan sai một lượng lớn phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ của chủ đầu tư nhưng vẫn phải đóng phí.
Ông Hà Thanh Sơn, Giám đốc Công ty vận tài Sơn Hà cho biết các doanh nghiệp vận tải, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, sức mua giảm sút, lượng hàng hóa vận chuyển giảm cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường khiến cho hầu hết các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp thường xuyên chịu lỗ từ dịch vụ vận tải và phải lấy nguồn thu từ các dịch vụ khác để cân đối thu chi. Nay lại bắt các doanh nghiệp vận tải phải đóng quỹ bảo trì đường bộ thì sẽ giết chết các doanh nghiệp vận tải.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Thanh Long