Ngay sau khi giá xăng tăng 900 đồng/lít và giá dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít tối 20-4, sáng 21-4 nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã bắt đầu điều chỉnh cước.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp vận tải đã tăng giá quá đà so với mức tăng của giá xăng dầu.
Ghi nhận thị trường vận tải cho thấy hiện tượng tăng cước đang diễn ra phổ biến ở các chủ xe tư nhân, hoặc những công ty làm dịch vụ vận chuyển hàng rời, nhỏ lẻ. Cước xe container vẫn chưa có nhiều biến động. Ông Bùi Minh Hoàng, tiểu thương buôn hàng gia dụng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trưa 21-4 có liên hệ với một chủ xe để thuê xe tải loại 1 tấn chở các mặt hàng gia dụng đi phân phối cho khách hàng ở khu vực Biên Hòa (Đồng Nai).
“Mới tuần trước tôi thuê xe chạy cùng tuyến giá 600.000 đồng/chuyến. Vậy mà sáng nay nhà xe báo giá lên 700.000 đồng/chuyến. Thương lượng tới lui cũng không giảm giá được” - ông Hoàng cho hay.
Tăng giá quá đà
Theo chủ xe, do giá xăng dầu tăng, xe chạy không thể không tăng cước. Tuy nhiên, dầu diesel tăng 500 đồng/lít mà mức tăng cước vận tải của xe chạy dầu lên tới 15% so với giá cũ là quá vô lý. Ông Hoàng bức xúc: “Do đã hẹn với khách chiều 21-4 sẽ giao hàng nên tôi đành ngậm ngùi thuê xe. Nhưng từ các chuyến sau sẽ tìm mối xe khác có giá hợp lý hơn”.
Ông Sanh, một chủ xe tải loại 2 tấn thường xuyên chạy hợp đồng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa khu vực nội thành TP.HCM và đi một số tỉnh lân cận, cũng khẳng định giá dầu tăng, cước vận tải chắc chắn phải tăng theo. Từ sáng 21-4, ông Sanh đã phải thông báo cho các khách hàng về mức cước tăng thêm và xe chạy áp dụng cước mới. Theo đó, với các tuyến quãng đường chạy từ 100km trở lên cước sẽ thêm 1.000 đồng/km. Các tuyến chạy dưới 100km, đặc biệt là các chuyến chạy trong khu vực TP.HCM, giá cước cũ từ 600.000-700.000 đồng/chuyến thì nay phải tăng lên 700.000-800.000 đồng/chuyến. Ông Sanh cho biết sở dĩ phải tăng cao như vậy vì đây là lần tăng cước gộp với đợt tăng giá dầu gần nhất (ngày 7-3).
Một doanh nghiệp vận tải chuyên vận chuyển các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm từ các chợ đầu mối đi giao hàng ở khu vực Bình Chánh, Củ Chi, Bình Tân... cho biết đã thông báo tăng thêm 10% cước nhưng khách hàng chưa đồng ý. Cụ thể ngày 21-4, khi khách hàng liên lạc thuê chiếc xe trọng tải 810kg tấn chở hàng đi qua một số điểm ở Bình Tân, Bình Chánh, công ty đề nghị lấy thêm 50.000 đồng tiền cước nên mức cước mới có giá 550.000 đồng/chuyến nhưng ngay lập tức khách hàng đã từ chối thuê xe.
Khách hàng khó chấp nhận
Theo đại diện Công ty TNHH Cường Triều, thông thường các tuyến chạy đi các quận huyện thuộc TP.HCM, mức cước là 500.000 đồng, có khoảng 150.000 đồng tiền dầu, 250.000 đồng tiền cho tài xế, 100.000 đồng chi phí phát sinh và lời cho chủ xe. Như vậy, chi phí mua dầu chỉ chiếm khoảng 30% giá cước. Tuyến chạy cước 500.000 đồng/chuyến, thực tế chỉ hết khoảng 7 lít dầu. Theo tính toán, với giá dầu tăng thêm 500 đồng/lít, đáng lý số tiền tăng do giá dầu chỉ khoảng 3.500 đồng. Do đó, mức tăng tới 50.000 đồng khó lòng được khách hàng chấp thuận.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn, cũng cho rằng mức tăng giá dầu lần này thực tế chỉ tác động vào giá cước ở mức 1,5-1,7%. Do đó, đợt này công ty sẽ không tăng cước vận chuyển hàng hóa để giữ khách. Theo ông Tuấn, trước khi quyết định giữ cước, công ty đã nghe ngóng tình hình từ một số doanh nghiệp “bạn”.
Qua đó thấy rằng trường hợp doanh nghiệp vận tải đã tăng cước trong đợt tăng giá xăng dầu lần trước sẽ không tăng giá đợt này. Nếu lần trước doanh nghiệp chưa tăng giá thì đợt này sẽ gộp lại, tăng khoảng 5-10% so với cước cũ, tùy thuộc quãng đường vận chuyển và tính chất mặt hàng. Hiện mới chỉ các xe vận chuyển hàng nhỏ lẻ tăng giá, đa số xe tải lớn, xe container đều chưa có động tĩnh về việc điều chỉnh cước.
Theo các tiểu thương chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức), các xe chở rau từ Đà Lạt và xe đông lạnh chở trái cây, rau củ từ các cảng ở TP.HCM về chợ cũng đã thông báo thu thêm tiền dầu. Tuy nhiên, ngày 21-4 do chủ xe vẫn chưa áp dụng cước mới nên việc tăng giá xăng dầu chưa ảnh hưởng đến giá bán hàng hóa. Một số tiểu thương chợ Bà Chiểu cho hay giá thực phẩm bán lẻ chưa bị tác động ngay do giá tại chợ đầu mối vẫn ổn định. Hiện tượng biến động giá tới các chợ lẻ phải chờ 2-3 ngày tới khi giá xăng dầu tác động đến toàn bộ các khâu sản xuất, phân phối hàng.
Theo TTO