|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản ước đạt 13,67 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu ước đạt gần 8,1 tỷ USD, hay nói khác đi ngành nông lâm thủy sản đã xuất siêu 5,87 tỷ USD.
Xuất khẩu vẫn tăng trưởng ổn định
Về xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 3,7 triệu tấn, với giá trị 1,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước giảm 8,8% về lượng và 13,5% về giá trị. Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá XK bình quân 5 tháng đầu năm đạt 464 USD/tấn, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu gạo năm nay có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh gấp 4,6 lần về lượng và 3,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Ước lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng về cả lượng (26,5%) và giá trị (20,4%). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng là 2.090 USD/tấn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 94 USD/tấn. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức (chiếm tỷ trọng giá trị 12,9%) và Hoa Kỳ (12,5%) tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Inđônêxia tăng trưởng đột biến, gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2011. Một số thị trường lớn khác thì có sự thụt lùi đáng kể, chẳng hạn như Bỉ (là thị trường lớn nhất của Việt Nam năm 2011) chỉ bằng khoảng 1/3 lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Lượng cao su xuất khẩu 6 tháng lên 412 ngàn tấn, thu về 1,3 triệu USD, tăng 42,5% về lượng nhưng lại giảm 0,3% về giá trị. Giá XK trung bình 5 tháng đầu năm đạt 3.037 USD/tấn, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tình hình tiêu thụ cao su vẫn khá tốt, so với cùng kỳ năm 2011 lượng cao su xuất khẩu tăng ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc (tăng 31,2%), Malaixia (gấp 3,2 lần), Đài Loan (tăng 59,5%%), Ấn Độ gấp 6,5 lần nhưng do giá cao su đang xuống thấp nhất từ đầu năm đến nay nên giá trị xuất khẩu cao su lại giảm.
Lượng chè xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 61 ngàn tấn, với kim ngạch 86 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,7% về lượng và 9,9% về giá trị. Giá bình quân 5 tháng đạt 1.420 USD/tấn, giảm nhẹ (1,2%) so với cùng kỳ năm 2011. Tình hình tiêu thụ chè khá khả quan, Pakixtan tiếp tục giữ vị trí thứ nhất, tăng trưởng được thấy ở hầu hết các thị trường lớn ngoại trừ Nga và Đức.
Lượng điều xuất khẩu 6 tháng ước đạt 97 ngàn tấn, kim ngạch 666 triệu USD, tăng 41,2% về lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng thứ 1 thế giới. Giá hạt điều XK bình quân 5 tháng đạt 6.842 USD/tấn giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều có sự tăng trưởng khá mạnh. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 37,7%), Trung Quốc (26,3%), Hà Lan (17,4%).
Lượng tiêu xuất khẩu 6 tháng đạt 73 ngàn tấn, kim ngạch 494 triệu USD, so cùng kỳ năm trước lượng tăng 4,3% và giá trị tăng tới 31,7%. Giá tiêu XK bình quân 5 tháng đạt 6.811 USD/tấn, tăng 28,9% so với năm trước. Mặc dù khối lượng xuất khẩu của hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Đức giảm sút so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu của tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng.
Đối mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, kim ngạch XK 6 tháng lên 2,2 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm trước 23,8%. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng mạnh, Hoa Kỳ tăng 32,3%, Trung Quốc 35,3%, Nhật Bản 25,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng lên xấp xỉ 2,9 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011. Xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc khối EU còn gặp nhiều khó khăn không chỉ do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà còn do những rào cản phi thuế của các thị trường này. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italia giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhập khẩu có xu hướng giảm
Đối với hàng nhập khẩu, lượng phân bón các loại nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,4 triệu tấn với giá trị nhập khẩu 636 triệu USD, giảm 23% về lượng và giảm 11,2% giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, U rê ước đạt 185 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu 79 triệu USD, giảm gần 1/2 so cùng kỳ năm trước; DAP ước đạt 210 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu 120 triệu USD, giảm 16,4% về lượng và 20,8% về giá trị cùng kỳ năm 2011; SA ước đạt 359 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu 88 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,2% về lượng nhưng tăng 16,1% về giá trị; NPK ước đạt 132 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu 65 triệu USD, tăng 8,2% về lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.
Thuốc trừ sâu và nguyên liệu, trị giá kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này 6 tháng đạt 356 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ năm trước. Ước nhập khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm ước đạt 714 triệu USD tăng 17,7% so cùng kỳ năm trước. Lúa mìnhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch đạt 474 triệu USD, so cùng kỳ năm trước tăng 17,8% về lượng và 4,7% về giá trị. Đối với thức ăn gia súc và nguyên liệu, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 1 tỷ USD, giảm 13,8% so cùng kỳ năm trước. Thức ăn gia súc và nguyên liệu là mặt hàng có giá trị kim ngạch lớn nhất trong các mặt hàng liên quan đến nông lâm thuỷ sản.
Theo thuongmai.vn
|