Những thông tin về các khoản lỗ lên tới hàng trăm tỷ của DN kinh doanh vận tải biển trong những tháng đầu năm không gây ngạc nhiên cho cả người “trong cuộc” cũng như người “ngoại đạo”. Đáng nói hơn, những dự báo thực sự sáng sủa về tương lai ngành kinh doanh đã qua thời hoàng kim từ năm 2008 này gần như không có.
Không lỗ mới là lạ
Trưởng ban Khai thác tàu biển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Nguyễn Quế Dương khẳng định như vậy với PV Báo GTVT trong cuộc trao đổi ngắn diễn ra cuối tuần qua. Đến thời điểm này, dù chưa công bố chính thức nhưng theo ông Dương, các khoản lỗ của DN kinh doanh vận tải biển trong nửa đầu năm nay, có thể tới hàng trăm tỷ, ít cũng phải năm, bảy chục tỷ. Những cái tên “sừng sỏ”, những “con chim đầu đàn” trong ngành vận tải như Vosco (CTCP Vận tải biển Việt Nam), Vitranschat (CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam), CTCP Vận tải biển Vinaship... cũng đều không thể tránh được báo lỗ. “Vấn đề chỉ là lỗ ít hay lỗ nhiều mà thôi” - ông Dương ngậm ngùi nhận định.
Trên thực tế thì khoản lỗ của các DN vận tải biển gần như đã được dự báo chắc chắn từ trước. Một điều đặc biệt là càng DN lớn thì càng lỗ nhiều và những DN nhỏ hơn thì bớt lỗ hơn, hoặc may ra thì cân đối thu chi hoặc lãi không đáng kể. Số liệu công bố của các công ty thời gian qua cho thấy, trong quý I, các doanh nghiệp vận tải biển lớn đều thua lỗ trong khi những công ty nhỏ có lãi thì cũng chỉ lãi không quá 1 tỷ đồng. Cụ thể, có thể kể đến Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải lỗ 492 tỷ đồng, Vosco lỗ 60 tỷ, Vistranschart lỗ 21 tỷ, Vinaship lỗ 43 tỷ...
Đặc điểm chung của các “ông lớn” vận tải biển là đi vay nợ rất lớn, chủ yếu là vay dài hạn bằng USD để mua tàu. Chính vì thế mà trong những năm vừa qua, đa phần các công ty này đều phải oằn lưng “cõng” lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Trưởng ban Vận tải và dịch vụ Hàng hải (Cục HHVN) Trịnh Thế Cường cho biết: Do tác động chung của hoạt động hàng hải - thương mại thế giới và những khó khăn trong nước (thiếu tàu dầu, tàu chở khí hóa lỏng, tàu container; giá cước vận tải giảm, giá nhiên liệu tăng, trượt giá ...) nên phần lớn các doanh nhiệp vận tải biển (nhất là các chủ tàu tư nhân) đều có lợi nhuận thấp và vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, phổ biến là tình trạng khan hiếm nguồn hàng; không ít phương tiện chỉ vận tải hàng một chiều hoặc chạy “rỗng”; nhiều tuyến phải đỗ dài ngày do thiếu hàng chuyên chở. Do đó thu không đủ bù chi phí, riêng phần trả lãi ngân hàng có thời điểm lãi suất vay lên tới 21% năm. Nhiều doanh nghiệp bị nợ quá hạn kéo dài, nguy cơ dẫn đến phá sản là không thể tránh khỏi.
Lỗ lãi cuối năm: Trông chờ bán tàu
Bán bớt tàu để giảm chi phí, trả nợ vay ngân hàng, hay tinh gọn bộ máy hành chính là những giải pháp được nhiều DN vận tải biển áp dụng trong vài năm trở lại đây để có thể có được một bản báo cáo tài chính tương đối đẹp. Theo báo cáo tài chính của Vitranschart, trong năm ngoái DN này phải đã thanh lý 3 tàu biển là Phương Đông 1, Phương Đông 3 và VTC Star, để có khoản lời trên 240 tỉ đồng để bù đắp các khoản lỗ do chi phí tài chính phát sinh từ các khoản vay ngân hàng và lỗ do chênh lệch tỷ giá sau khi mua tàu bằng ngoại tệ.
CTCP Vận tải và Thuê tàu cũng bán bớt các tàu Vietfracht 01 và VF Glory để tái cơ cấu đội tàu của công ty. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều DN vận tải biển khác. Trong năm 2012 này, bên cạnh các yếu tố cơ bản như tình hình kinh tế, lãi suất, cung cầu thị trường được dự báo cũng có le lói tia sáng thì ranh giới lãi-lỗ chắc chắn sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán tàu.
Bảo hộ quyền vận tải nội địa, cơ hội cho DN “nội”
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, những năm gần đây các hãng tàu nước ngoài đã tham gia ngày càng nhiều vào các tuyến nội địa và quốc tế đã phần nào chứng minh sự “đuối sức” của các doanh nghiệp vận tải nội địa. Gỡ khó cho DN vận tải biển trong nước ngay trên sân nhà, Bộ GTVT vừa quyết định tạm dừng cấp phép cho tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận tải container trên các tuyến nội địa từ 1/1/2013.
Theo Bộ GTVT, chủ trương này nhằm thúc đẩy sự phát triển đội tàu biển vận chuyển container của Việt Nam, chủ động đáp ứng nhu cầu vận tải container trên các tuyến nội địa. Về quyết định này, ông Cường cho rằng tạm thời sẽ giúp doanh nghiệp VTB trong nước giải quyết một phần về nguồn hàng. “Quá nhiều tàu biển của ta đang nằm không chờ hàng, thêm thị phần vận tải nội địa, DN chắc chắn sẽ bớt khó khăn” - ông Cường khẳng định.
Theo GTVT