|
Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 1,845 tỷ USD, tăng 0,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 755 triệu USD, tăng 22,6% và nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ là 1,09 tỷ USD, giảm 11%. Như vậy, nhập siêu của Việt Nam từ Ấn Độ ở mức 335 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài những mặt hàng truyền thống như nông sản, thủ công mỹ nghệ, số lượng các sản phẩm có giá trị gia tăng như thép và sản phẩm thép, cao su, than đá, phần cứng máy vi tính và hàng điện tử, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hóa chất và các sản phẩm hóa chất cũng được xuất khẩu vào Ấn Độ ngày càng nhiều hơn. Trong đó, máy móc thiết bị tăng 70,3%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 91,2%, cao su tăng 358,9%, hạt điều tăng 97,6%. Đặc biệt, một số mặt hàng mới có mức tăng khá cao là các sản phẩm chất dẻo, hóa chất, giày dép các loại...
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, với 1,2 tỷ dân, trong đó khoảng 400 triệu dân trung lưu có mức tiêu dùng hàng cao cấp, đại đa số còn lại ở mức thu nhập trung bình hoặc thấp nên nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, khi bối cảnh sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, đây chính là phân khúc thị trường tốt dành cho hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, hàng Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng Ấn Độ biết đến nhiều và Việt Nam chưa có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quan hệ thương mại hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước.
Ấn Độ đang có nhu cầu nhập khẩu cao các mặt hàng nông, lâm sản của Việt Nam như chè, cà phê, hạt tiêu, điều... nhằm chế biến và thêm phần giá trị gia tăng sau đó tái xuất. Bên cạnh đó, đối với mặt hàng cao su tự nhiên, Ấn Độ có nhu cầu nhập khoảng 62.000 tấn trong năm 2012 để phục vụ sản xuất lốp ôtô tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường nghiên cứu thị trường và tìm kiếm các đối tác. Ngoài việc hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm hiểu thật kỹ thủ tục hải quan của nước này. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để có được những thông tin chính xác nhất trước khi đưa hàng hóa vào thị trường này.
Theo thuongmai.vn
|