Theo tin từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), Hội nghị thường niên cảng biển năm 2012 sẽ chính thức diễn ra tại Đà Nẵng trong 2 ngày từ 21 đến 22-8-2012. Nội dung của hội nghị lần này sẽ tổng kết lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012. Đồng thời đề xuất các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cảng biển hoạt động và phát triển, góp phần tích cực nhất cho sự phát triển của ngành hàng hải và cho chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Trong đó các vấn đề liên quan đến hạ tầng cảng biển sẽ là một trong những nội dung được tập trung bàn thảo nhiều nhất.
Thống kê của VPA cho thấy khối lượng hàng thông qua các cảng VPA trong năm 2011 đạt khoảng 159 triệu tấn. Trong đó hàng container đạt khoảng 7,1 triệu Teus. Nửa đầu năm 2012, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển thuộc VPA đạt khoảng 3.666.736 Teus, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó một số cảng có mức tăng rất ấn tượng như cảng Đồng Nai tăng 603%; Tân Cảng Sa Đéc tăng 204%; CMIT tăng 139%...
Theo VPA, Chủ trương về chiến lược phát triển kinh tế biển của Chính phủ trong thời gian qua đã làm thay đổi tầm nhìn và chiến lược cũng như kế hoạch phát triển của toàn ngành hàng hải và từng doanh nghiệp. Bản thân các địa phương có điều kiện tự nhiên và thị trường thuận lợi cũng chọn kinh tế biển là một trong những hướng ưu tiên phát triển kinh tế. Tuy nhiên còn nhiều nội dung cần cân đối và kết hợp giữa trung ương, vùng miền và địa phương để đảm bảo hiệu quả phát triển cao.
Cụ thể, một trong những vấn đề chính của Việt Nam hiện này là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và điểm nóng là các bến cảng container. Nhiều dự án cảng mới đang được nhà đầu tư xúc tiến nhanh nhưng kết nối giao thông hậu phương cũng như những tiện ích và hệ thống dịch vụ hỗ trợ đi kèm còn chưa đầy đủ và sẳn sàng, làm tăng chi phí và rủi ro cho các nhà đầu tư, khó khăn cho các đơn vị xuất nhập khẩu và tác động tiêu cực đến đời sống của cộng đồng dân cư ở hậu phương cảng.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải với vai trò điều phối của tổ chức chính quyền cảng vẫn chưa được hoàn chỉnh để ban hành. Cơ chế hợp tác công tư (PPP) và chiến lược phát triển vùng miền để thu hút vốn đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm qui mô lớn đang cần có một đầu mối chịu trách nhiệm chính với hành lang pháp lý phù hợp để tạo thêm động lực và huy động được nguồn lực tổ chức thực hiện nhanh và bền vững chiến lược kinh tế biển.
THANH LONG