Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu đã chế biến xuất được trên 18 ngàn tấn tôm, thu trên 160 triệu USD, đạt 56% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada. Do giá bán thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn các nước Thái Lan, Bangladet từ 25% nên đối tác đang "dội" giá; ngoài ra, rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, đặc biệt là thêm nhiều loại kháng sinh bị đưa vào diện cấm có trong tôm v.v.
Trước những vấn đề trên, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp; đồng thời thông tin về việc ngành chức năng đang gấp rút phổ biến các thông tin, kiến thức về tôm nhiễm kháng sinh, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nuôi tôm sạch…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu ngành Nông nghiệp, Công thương… phải vào cuộc một cách quyết liệt, định hướng về việc quy hoạch vùng nuôi tôm, vùng sản xuất giống, vùng chế biến… một cách khoa học, bài bản. Thậm chí, đối với việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tỉnh cũng có thể tín chấp để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, mở rộng sản xuất. Bởi, hiện hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh chưa thể hoạt động hết công suất.
Hiện nay, tình hình tôm chết tiếp tục diễn ra trên diện rộng, diện tích bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh đã lên đến trên 10.000 ha, nhưng nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định rõ. Hàng ngàn ha ao đã cải tạo nhưng đang ''treo'' do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân giá tôm nguyên liệu gần đây bị rớt mạnh do tôm nguyên liệu nhập lậu từ Thái Lan qua Camphuchia đang tràn ngập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bán thấp hơn giá tôm nguyên liệu tại chỗ từ 25 - 40%. Việc tiếp cận tín dụng từ Ngân hàng vẫn chưa thông, nhiều doanh nghiệp ở Bạc Liêu thiếu vốn để mua nguyên liệu dự trữ phục vụ chế biến trong những tháng cuối năm.
Theo Vinanet