Theo Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2012 đạt 8030 triệu USD, bằng 66,9% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 584 dự án được cấp phép mới đạt 5199,3 triệu USD, bằng 83,7% số dự án và bằng 55,9% số vốn cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 231 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 2830,5 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện bảy tháng năm nay ước tính đạt 6,3 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành bảy tháng năm 2012, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5503,3 triệu USD, bao gồm: 3230,9 triệu USD của 258 dự án cấp phép mới và 2272,4 triệu USD vốn tăng thêm; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1610 triệu USD, bao gồm: 1233,6 triệu USD của 7 dự án cấp phép mới và 376,4 triệu USD vốn tăng thêm.
Cả nước có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong bảy tháng năm nay, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1451,2 triệu USD, chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 885,1 triệu USD, chiếm 17%; Đồng Nai 630,4 triệu USD, chiếm 12,1%; Quảng Ninh 390,4 triệu USD, chiếm 7,5%; thành phố Hồ Chí Minh 267,6 triệu USD, chiếm 5,1%; Ninh Bình 186,6 triệu USD, chiếm 3,6%; Khánh Hòa 180,3 triệu USD, chiếm 3,5%.
Trong số 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam bảy tháng, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 3582,3 triệu USD, chiếm 68,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 415,7 triệu USD, chiếm 8%; Hàn Quốc 344,6 triệu USD, chiếm 6,6%; CHND Trung Hoa 179,4 triệu USD, chiếm 3,4%; Xin-ga-po 178,6 triệu USD, chiếm 3,4%; Hà Lan 108,2 triệu USD, chiếm 2,1%, v.v.
Thủy Nhi
|