Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức, Tiến sĩ Philipp Rösler đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong các ngày 17-19/9/2012. Nhân chuyến thăm này, 2 diễn đàn kinh tế Đức - Việt cũng chính thức được tổ chức tại Thành phố Frankfurt và Thành phố Hà Nội với sự tham gia đông đảo doanh nghiệp của cả hai nước.
Kinh tế Đức trong bức tranh chung khu vực EU
Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Đứng thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc về GDP. GDP của Đức năm 2011 là 2.600 tỷ euro và thu nhập bình quân đầu người là 31.500 euro. Với 82 triệu dân, Đức là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất trong EU.
Công nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong các họat động ngọai thương của Đức và là xương sống của nền kinh tế Đức, với các ngành công nghiệp chủ yếu như chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hóa chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử, quang học, hàng không và vũ trụ, đóng tàu, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, dược phẩm, lương thực, thực phẩm...
Về xuất khẩu, Đức xếp thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức là EU, Mỹ, Trung Quốc. Thị trường EU chiếm gần 60% xuất khẩu của Đức. Giao thương kinh tế giữa Đức với các nước châu Á mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam cũng không ngừng gia tăng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đức năm 2011 là 1.962 tỷ euro, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1.060 tỷ euro và kim ngạch nhập khẩu là 902 tỷ euro, xuất siêu 158 tỷ euro.
Quan hệ kinh tế giữa Đức với Việt Nam
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức, ông Nguyễn Thiện Bình: Trong nhiều năm qua, Đức liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, kim ngạch thương mại hai chiều chiếm khỏang 20% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU. Trong đó Việt Nam luôn xuất siêu vào Đức với tỷ lệ xuất 2 và nhập 1.
Trong 10 năm qua kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục với mức tăng trung bình khoảng 15%/năm. Đức đã trở thành thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.
Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Đức và Việt Nam đạt 5,565 tỷ USD, tăng 35,5% so với năm 2010. Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu sang Đức, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 đạt 3,366 tỷ USD, tăng 41,9% so với năm 2010 và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt 2,198 tỷ USD, tăng 26,2%.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và CHLB Đức đạt 2,853 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 1,922 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đức trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2012, đó là: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 170%, đạt 482 triệu USD; Máy vi tính và sản phẩm điện tử tăng 175%, đạt 57,237 triệu USD; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác tăng 108%, đạt 60,170 triệu USD; Cà phê tăng 50%, đạt 283,663 triệu USD; Hạt tiêu tăng 33%, đạt 55,6 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước, là: Dệt may giảm 10%, đạt 248,836 triệu USD; Thủy sản giảm 25%, đạt 92,527 triệu USD; Gỗ và các sản phẩm gỗ, giảm 2%, đạt 57,7 triệu USD.
Trong những năm qua cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Đức nói riêng và EU nói chung đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.
Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 40/144 nước xuất khẩu hàng hoá vào Đức, hạng 55/144 nước nhập khẩu hàng hoá từ Đức và hạng 47/144 nước đối tác thương mại chính trên kim ngạch hai chiều.
Về đầu tư của Đức tại Việt Nam, ông Bình cho biết, lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Tính đến tháng 9/2011, Đức mới có 167 dự án với số vốn đăng ký là 850 triệu USD, đứng thứ 5 trong các nước EU và thứ 24 trên 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Đức là nước cung cấp viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1 tỷ euro cho các dự án ODA. Ngay cả trong thời gian chịu ảnh hưởng của suy thóai kinh tế, Đức vẫn không giảm viện trợ ODA và trong các năm tới Đức vẫn tiếp tục cam kết ưu tiên viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Từ tháng 10/2011, Việt Nam và Đức đã nâng tầm quan hệ 2 nước lên đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác trên 5 lĩnh vực then chốt: hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Theo thuongmai.vn