Tại buổi gặp với Hội Công nghệ gỗ nhiệt đới quốc tế (ATIBT), ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, trước những quy định ngày càng khắt khe của các thị trường chính như Mỹ (đạo luật Lacey đang áp dụng), các nước EU (Flegt áp dụng từ năm 2013) về nguồn gốc gỗ hợp pháp, không chỉ có chứng chỉ rừng, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nên việc tìm nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp từ các nước là đòi hỏi bức bách của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu lên đến 4 triệu mét khối mỗi năm, khoảng 1 tỷ USD.
Do vậy, việc ATIBT đến, tìm hiểu và tiếp thị về nguồn gỗ nguyên liệu nhiệt đới cho thấy các tổ chức quốc tế đánh giá vị trí ngày càng cao của Việt Nam trên thế giới về ngành chế biến gỗ. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu khả năng cung cấp về nguồn gỗ nhiệt đới, đặc biệt là các nước châu Phi, vốn còn khá mới nhưng đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Theo Hawa, hiện nay Việt Nam nhập khẩu gỗ chủ yếu tư các nước như Mỹ, New Zealand, Myanmar, Lào, Campuchia, Chile…
Theo Bộ Công thương, với việc xuất khẩu hơn 3,4 tỷ USD sản phẩm đồ gỗ chế biến trong gần 10 tháng qua (tăng gần 20%), dự báo năm 2012 có thể lên 4,6 tỷ USD. Ngành chế biến gỗ trở thành một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực cả nước.
Theo SGGP
|