Ngày 30-11-2012, tại TP.HCM, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố sách Trắng 2013 “Các vấn đề thương mại, đầu tư và kiến nghị” xuất bản lần thứ năm với sự chủ trì của ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham.
Cũng như các ấn bản trước, sách Trắng 2013 tóm tắt các vấn đề chính ảnh hưởng đến môi trường đâu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, bao quát các ngành lớn mà gần 800 công ty thành viên của EuroCham tham gia như: dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng nhanh, năng lượng, viễn thông, ôtô, du lịch, ngân hàng...
Theo đánh giá của EuroCham, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số cải cách nhằm nâng cao môi trường kinh doanh trong một số lĩnh vực và thu được nhiều thành công trong kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhằm thu hút nguồn vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh dưới đánh giá của các doanh nghiệp Châu Âu về Việt Nam như một điểm đến đầu tư trong năm 2012 đã tiếp tục giảm sút. Tính đến Quý IV năm 2012, chỉ số này chỉ còn 45 điểm, xuống dưới mức trung bình.
Sách Trắng 2013 bao gồm ba nội dung lớn với nhiều chương khác nhau. Nội dung đầu tiên là giá cả. EuroCham cho rằng Chính phủ tiếp tục thể hiện sự lưỡng lự đối với việc định giá theo thị trường tự do. Chẳng hạn như với ngành năng lượng, các mức giá xăng dầu, điện và than được kiểm soát ở mức thấp hơn mức giá thị trường tự do. Các ngành khác khi muốn điều chỉnh giá cũng phải xin chính quyền phê duyệt. Cách thức kiểm soát giá này rõ ràng khiến các đầu tư quan ngại khi họ kì vọng được tự thiết lập giá trong các khuôn khổ thông thường được xác lập bởi chi phí và cạnh tranh. Đây là một điều đáng lo ngại vì nếu mức giá không đủ để bù đắp chi phí và đem lại một khoản lợi nhuận hợp lí thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đầu tư vào Việt Nam.
Nội dung thứ hai là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Phần lớn các ước tính hiện nay cho thấy khu vực này đang chiếm 40% toàn bộ nền kinh tế. Theo EuroCham, bản thân điều này không có vấn đề gì đáng quan ngại nhưng vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp và thường hoạt động không hiệu quả. Việc Chính phủ tiếp tục chấp nhận thực trạng này đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng trong rất nhiều ngành mà các doanh nghiệp Nhà nước chiếm vị trí quan trọng. Điều này làm hạn chế sự hấp dẫn của Việt Nam đối với FDI.
Thứ ba là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Hiện tại Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia khác bằng giá nhân công thấp. Việt Nam mong muốn chuyển dịch sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên các nhà đầu tư sẽ không muốn mang công nghệ đến Việt Nam, trừ khi các quyền sở hữu trí tuệ thực sự được bảo vệ.
Đặc biệt, sách Trắng 2013 có giành riêng một chương để đề cập cái nhìn của các doanh nghiệp EuroCham về thực trạng và những kiến nghị cho ngành logistics và vận chuyển ở Việt Nam. Nhiều vấn đề và những kiến nghị thiết thực ở các lĩnh vực: nhân sự-đào tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm, thực phẩm-dinh dưỡng, du lịch-nhà hàng-khách sạn… cũng đã được đề cập trong sách Trắng 2013.
Ông Paul Jewell, Giám đốc điều hành EuroCham cho biết EuroCham tin tưởng những bước tiến gần đây như việc bắt đầu đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU là một dấu hiệu quan trọng. Nếu Chính phủ thành công trong việc giải quyết các vấn đề đưa ra bởi cộng đồng doanh nghiệp và một FTA toàn diện được thống nhất thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh trong khu vực. Đầu tư nước ngoài trực tiếp sẽ tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng, doanh nghiệp châu Âu ngày càng nhìn nhận Việt Nam là cửa ngõ ASEAN.
Thanh Long