Hoạt động của hệ thống cảng biển tại TPHCM đang dần xuất hiện những điểm sáng, minh chứng sống động cho những nỗ lực vượt qua khó khăn của các cảng biển…
Kết nối vùng sản xuất
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam vừa có trong tay những số liệu mới nhất về sản lượng container thông qua hệ thống cảng biển TPHCM trong 11 tháng đầu năm 2012. Trong 7 cảng được nêu tên trong thống kê này bao gồm cảng Sài Gòn, cảng Bến Nghé, Tân Cảng, VICT, Gemadept, Lotus+RQ và SPCT thì đã có 4 cảng là Sài Gòn, Bến Nghé, Lotus +RQ và SPCT có sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2012 tăng hơn sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2011. Tăng cao nhất là cảng SPCT với tỷ lệ sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2012 trên sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2011 là 1,93. Kế tiếp là cảng Sài Gòn, cảng Lotus+RQ và cảng Bến Nghé.
Giải thích về những điểm sáng này, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, chủ yếu là do các cảng biển tại TPHCM đã biết khai thác mạnh mẽ nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Các mặt hàng phục vụ trồng trọt, chăn nuôi như phân bón, thuốc trừ sâu vẫn thường xuyên nhập khẩu với số lượng lớn.
Đặc biệt cảng SPCT, cảng nằm trên sông Soài Rạp, thuộc khu vực Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, kết nối trực tiếp với hệ thống sông, kênh rạch của miền Tây Nam bộ đã biết khéo léo khai thác lợi thế của sự thông thương này để đưa hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên cảng bằng đường thủy. Phương thức vận chuyển mới vừa giúp các chủ hàng giảm nỗi lo về ách tắc giao thông mỗi khi vận chuyền hàng hóa bằng ô tô lên TPHCM, vừa giúp họ giảm chi phí vận chuyển (chi phí vận tải đường thủy thường rẻ hơn đường bộ) nên dần dà SPCT đã thu hút được một lượng khách hàng đáng kể.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc SPCT, công suất bốc xếp của SPCT vào hàng cao nhất Việt Nam: 40 container/giờ, là một lực hấp dẫn khác của SPCT so với nhiều cảng trong khu vực. Đứng thứ hai về mức tăng sản lượng container bốc xếp được trong năm 2012, cảng Sài Gòn cũng tận dụng lợi thế thông thương trực tiếp với hệ thống sông kênh rạch miền Tây Nam bộ, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (một cảng thuộc cảng Sài Gòn) đã thu hút được một lượng khá lớn hàng nông sản từ miền Tây Nam bộ lên cảng bằng đường thủy cho dù cảng này mới xây dựng 200m cầu cảng và 2 bến phao. Theo thiết kế, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ có tới 1.800m cầu cảng.
Sản lượng sụt giảm
Mặc dù số cảng có sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2012 cao hơn sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2011, chiếm đa số nhưng nhìn chung sản lượng container khai thác được trong 11 tháng đầu năm 2012 của toàn hệ thống cảng biển TPHCM vẫn thấp hơn so với sản lượng container khai thác được trong 11 tháng đầu năm 2011. Tỷ lệ giữa sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2012 và sản lượng container khai thác trong 11 tháng đầu năm 2011 là 0,99. Những cảng có mức sụt giảm khá cao là Gemadept, Vict… Bên cạnh sản lượng container là sản lượng hàng rời cũng chưa có nhiều điểm sáng.
Đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho hay, nguyên nhân chính là do các mặt hàng phục vụ xây dựng như sắt, thép… giảm sản lượng nhập khẩu rõ rệt. Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Không chỉ có sản lượng sắt thép nhập khẩu giảm mà sản lượng hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất đi cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, giao dịch của các cảng biển Việt Nam chủ yếu là những giao dịch trong nội địa. Các chuyến tàu đưa hàng đi xa, không nhiều như trước.
Đã vậy, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng biển bao gồm cảng, đường giao thông kết nối và các dịch vụ đi kèm còn nhiều bất cập. Cảng Sài Gòn cho biết, hơn 2km đường kết nối đến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước vẫn chưa được xây dựng. Đang có một nhà thầu muốn ứng tiền ra xây dựng con đường này nhưng còn phải đợi ngành chức năng có ý kiến. Đường kết nối đến cảng Phú Hữu, dự kiến đến năm 2013 mới hoàn thành.
Còn khoảng 10 ngày nữa mới hết năm 2012, tuy nhiên khả năng có những đột biến có thể làm thay đổi thực tế nêu trên là rất thấp. Chính vì vậy, nhận xét về năm 2012 sắp đi qua và năm 2013 sắp tới, đa phần lãnh đạo các cảng biển đều dùng hai từ “chòi đạp”… Chòi đạp để tồn tại qua cơn khó khăn.
Theo SGGP