Ngày 17-12, tại TPHCM, Vụ Thị trường châu Âu phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) đã tổ chức hội thảo “Quan hệ VN - Liên minh Hải quan: Triển vọng từ việc Nga gia nhập WTO và đàm phán Hiệp định FTA VN - Liên minh Hải quan” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tìm hiểu và nắm bắt tốt hơn cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.
Thị trường rộng, nhu cầu lớn
Thị trường Liên minh Hải quan được thành lập từ tháng 1-2010, gồm 3 nước thành viên Nga, Belarus và Kazakhstan với diện tích 20 triệu km2 và 170 triệu người. GDP năm 2012 dự kiến đạt 2.100 tỷ USD. Năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu của 3 nước đạt 326 tỷ USD, tăng 30,9% so với năm 2010. Trong đó, Nga nhập khẩu chiếm 87,4% của khu vực đạt 284,8 tỷ USD, Kazakhstan là 21,1 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Belarus là 20,1 tỷ USD. Các sản phẩm khu vực thị trường Liên minh Hải quan nhập khẩu chủ yếu gồm ô tô, dệt may, da giày, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…
Trong Liên minh Hải quan, Nga được xem là thị trường chính, là thị trường truyền thống của hàng hóa VN. Ông Golikov Makxim Yuievich - đại diện cơ quan thương mại Liên bang Nga tại VN, cho biết, năm 2012 tổng kim ngạch thương mại song phương giữa VN - Nga sẽ đạt 3,7 tỷ USD, tăng gấp 15 lần so với 10 năm trước đây. VN và Nga không cạnh tranh với nhau trên thị trường. Cơ cấu thương mại giữa Nga và VN có tính bổ trợ cho nhau. Nga xuất khẩu sang VN các mặt hàng sản phẩm ngành luyện kim đen, công nghiệp hóa học, máy móc thiết bị, phân bón. Còn VN xuất sang Nga chủ yếu là các mặt hàng nông sản (như cao su, thủy sản, rau quả, cà phê, chè, gạo…) và hàng công nghiệp nhẹ (như giày dép, quần áo, đồ điện tử, mì ăn liền…).
Về cơ bản, hàng hóa VN sẽ được hưởng lợi về mặt chính sách sớm hơn hàng hóa của Nga xuất sang VN trong thời gian tới.
Hơn 30% dòng thuế giảm còn 0%
Từ tháng 1-2011, Nga, Belarus và Kazakhstan đã áp dụng bộ luật thuế xuất nhập khẩu thống nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu từ bên ngoài vào thị trường 3 nước. Riêng thị trường Nga, vì đã chính thức là thành viên của tổ chức WTO từ tháng 8-2012, nên Nga sẽ tiến hành giảm thuế nhập khẩu và gỡ bỏ một số hàng rào phi thuế quan cho hàng hóa các thành viên WTO theo cam kết.
Theo đó, từ tháng 8-2012, Nga giảm thuế nhập khẩu bình quân cho tất cả các loại hàng hóa xuống còn 7,8% so với mức 10% của năm 2011, các mặt hàng nông nghiệp giảm từ mức 13,2% xuống còn 10,8%, hàng chế tạo cũng giảm từ mức 9,5% xuống mức 7,3%. Hiện đã có 30% dòng thuế đã chính thức được Nga giảm thuế; 30% dòng thuế tiếp theo sẽ được thực hiện điều chỉnh giảm sau 3 năm nữa. Một số mặt hàng nhạy cảm có thời gian áp dụng điều chỉnh lâu hơn, như thịt heo sau 8 năm; thuế ô tô, máy bay trực thăng, máy bay dân dụng thì sẽ thực thi điều chỉnh giảm sau 7 năm tới.
Với cam kết khi gia nhập WTO, Nga sẽ áp dụng Hệ thống ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan cho các nước kém phát triển và đang phát triển, sẽ có 152 quốc gia được hưởng chính sách này khi xuất khẩu hàng hóa vào Nga, với mức thuế 0% trong nhóm các mặt hàng ưu đãi. Theo lộ trình thuế nhập khẩu của Nga, đối với nhiều mặt hàng của VN cũng sẽ được giảm ngay như hàng điện máy và thiết bị (giảm 7 lần), quần áo (giảm 2 lần), chè (giảm 2 lần), thủy hải sản (giảm 4,8 lần)… so với mức thuế hiện nay.
Nhìn nhận về cơ hội cho hàng hóa VN, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cho rằng, quan hệ thương mại giữa VN và Nga đến nay vẫn chưa đạt kỳ vọng của lãnh đạo hai nước. Trong khóa họp liên Chính phủ Việt - Nga diễn ra tại Mátxcơva vừa qua, lãnh đạo hai nước đưa ra mục tiêu phấn đấu thương mại 2 chiều sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.
Hiện tại, hàng hóa VN xuất khẩu sang thị trường Nga được giảm thêm 25% thuế quan so với mức thuế Nga cam kết, bởi VN được nằm trong nhóm các nước hưởng ưu đãi thuế quan của Liên minh Hải quan. Đây là cơ hội lớn để các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Để nắm được cơ hội này, sản phẩm VN cần xây dựng uy tín, thương hiệu, cung cấp sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ngoài việc được hưởng các ưu đãi về thuế khi Nga gia nhập WTO, từ năm 2010, VN và Liên minh Hải quan đã tiến hành nghiên cứu Hiệp định Thương mại (FTA) song phương. Theo ông Dương Hoàng Minh, quá trình nghiên cứu đã kết thúc và đang chuẩn bị để tiến hành khởi động đàm phán từ quý 1-2013. Nếu Hiệp định này được ký kết, sẽ đưa thuế suất của nhiều mặt hàng về 0%.
Với kinh nghiệm làm ăn thành công tại Nga, một số DN chia sẻ, DNVN cần có chiến lược, có cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng Việt nhằm thay đổi nhận thức hàng hóa VN tại Nga từ “dùng được giá rẻ” tiến tới “chất lượng tốt giá chấp nhận được”. Cần xem trọng việc gắn kết với hệ thống các nhà phân phối tại nước sở tại để tìm chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa.
Mức tiêu thụ cũng như thu nhập của người dân Nga bây giờ đã cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng hàng hóa phải có chất lượng, nếu chỉ cạnh giá về giá không thôi thì sẽ thua.
Theo SGGP