Năm 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, khoáng sản đã chậm lại, trong khi nhóm hàng công nghiệp chế biến thì vọt lên mạnh.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đã tăng 18,3% so với năm 2011 (114,6 tỉ đô la Mỹ), tăng 13% so với kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người là hơn 1.300 đô la Mỹ, cao hơn mức 1.083 đô la/người của năm 2011 và 831 đô la/người năm 2010.
Tỷ lệ xuất khẩu/GDP cũng đã vượt qua mốc 75% và là mức cao so với tỷ lệ các năm trước đó.
Ba nhóm mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng so với năm trước nhưng đã có sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, nông, lâm, thuỷ sản đạt mức tăng trưởng dưới 7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của các năm gần đây. Tương tự đối với nhóm nhiên liệu – khoáng sản khi con số tăng trưởng chỉ dừng lại ở mức 4,2%. Trong khi đó, nhóm công nghiệp chế biến tăng tới 24,7% so với năm 2011, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung.
Tuy nhiên, năm 2012, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu đã liên tục giảm mạnh kể từ những tháng đầu năm. Tính chung trong năm, chỉ có 5/15 mặt hàng tính được về lượng có giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng còn lại đều giảm đáng kể. Ba mặt hàng giảm giá mạnh nhất là cao su giảm 29%; xơ sợi dệt các loại giảm 16% và nhân điều giảm 20%.
Khối doanh nghiệp FDI là trụ cột trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2012, khối này đạt kim ngạch xuất khẩu 63,9 tỉ đô la Mỹ (không kể dầu thô), chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 33,5% so với năm 2011.
Năm 2012, Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ, 11 mặt hàng đạt trên 3 tỉ đô la, 7 mặt hàng xuất trên 5 tỉ đô và 2 mặt hàng xuất trên 10 tỉ đô. Trong đó tiêu biểu là hàng dệt may, linh kiện điện tử, điện thoại
Xuất khẩu sang một số thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN vẫn duy trì được mức tăng cao từ 17 đến 28%.
Theo thuongmai.vn