|
Bộ Công Thương vừa công bố phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu năm 2013 cho 13 doanh nghiệp. Theo đó, tổng lượng xăng dầu mà các doanh nghiệp đầu mối được nhập là 9 triệu m3,tấn các loại.
Cụ thể, năm 2013, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đầu mối nhập khẩu chủ lực với 5,18 triệu m3,tấn - chiếm 57,6% . Trong đó có 2,54 triệu m3 xăng, 2,33 triệu m3 diesel, 290.000 tấn dầu mazut và 20.000 m3 dầu hỏa.
Tiếp theo mức phân giao của Petrolimex là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với hạn mức nhập 1 triệu tấn,m3, trong đó có 230.000 m3 xăng, 720.000 m3 diesel và 50.000 tấn dầu mazut. Hạn mức 536.000 m3,tấn (255.000 m3 xăng, 275.000 m2 diesel và 6.000 m3 dầu hỏa) được giao cho Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro).
Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) được giao chỉ tiêu là 515.000 m3,tấn, trong đó có 90.000 m3 xăng, 365.000 m3 diesel và 60.000 tấn mazut. 455.000 m3,tấn (220.000 m3 xăng, 215.000 m3 diesel và 20.000 tấn mazut) dành cho Công ty Thanh Lễ.
Những doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Hàng không (Vinapco) là 426.000 m3,tấn. Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty Xăng dầu Quân đội được giao nhập 150.000 m3,tấn. Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) được giao 67.000 m3,tấn…
Con số mà Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu xăng dầu của năm 2012 là 10,1 triệu m3,tấn. Năm 2011, hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bị điều chỉnh giảm từ 11 triệu m3,tấn xuống 9,978 triệu m3,tấn.
Theo văn bản mới đây của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2012, Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu trong nước, PV Oil (16,6%), Saigon Petro (khoảng 6,5%), Thanh Lễ (5,3%), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (2,4%),...
Theo VnEconomy
|