4 thị trường vẫn duy trì được mức tăng trưởng là Nam Phi, Angeria, Nigeria và Angola trong khi 4 thị trường khác có kim ngạch giảm.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Đức Nhuận- Trưởng phòng châu Phi, Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 2/2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường quan trọng tại châu Phi có sự chững lại hoặc giảm sút so với cùng kỳ năm 2012.
4 thị trường vẫn duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu là Nam Phi, Angeria, Nigeria và Angola trong khi 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm là Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegan.
Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường khu vực này vẫn là điện thoại và linh kiện, gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị và sản phẩm dệt may.
Nam Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch đạt 96,63 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại và linh kiện đạt 51,49 triệu USD, giày dép các loại 13 triệu USD, sản phẩm hóa chất 6,2 triệu USD, hàng dệt may 3,2 triệu USD, gạo 2,8 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện 2,6 triệu USD, cà phê 1,8 triệu USD... Như vậy mặt hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong khi nhóm hàng vàng bạc đá quý không còn xuất hiện trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu sang Nam Phi.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 35,2 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012, Angeria đã vươn lên thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính gồm cà phê, kim ngạch đạt 12,3 triệu USD, gạo 7,1 triệu USD.
Trong tháng 2, xuất khẩu sang Ai Cập giảm mạnh, tổng kim ngạch cả hai tháng chỉ đạt 33,89 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng thủy sản đạt 8 triệu USD, hạt tiêu 5,3 triệu USD, xơ, sợi dệt các loại 5,3 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2,7 triệu USD, cà phê 2,1 triệu USD... Trừ thủy sản và hạt tiêu, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác đều sụt giảm.
Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Angola đạt 16,48 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó mặt hàng gạo đạt 10,3 triệu USD (tăng 100%), hàng dệt may 1,6 triệu USD (tăng 60%).
Xuất khẩu sang Nigeria đạt 16 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu sang Ghana chỉ đạt 13,21 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước trong đó gạo chiếm 6,8 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 4,8 triệu USD, giảm tới 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,68 triệu USD ( giảm 83%).
Kim ngạch xuất khẩu sang Senegal tiếp tục giảm sút chỉ đạt 4,38 triệu USD (giảm74%) trong đó gạo chiếm 1,6 triệu USD (giảm 87%).
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, xuất khẩu gạo, mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang một số thị trường lớn là Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal đang gặp nhiều khó khăn. Tại châu Phi, gạo Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ Ấn Độ và Thái Lan (chủ yếu là gạo tồn kho). Nếu giá bán gạo Việt Nam bằng với giá gạo Ấn Độ thì cũng khó cạnh tranh vì khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và châu Phi xa hơn, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn.
Nhằm giành lại thị trường và ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 thế giới, Thái Lan vừa thông báo đẩy mạnh việc bán gạo tồn kho và có thể áp dụng các biện pháp linh hoạt như hạ giá xuất khẩu, bán trả chậm, đổi hàng... điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng phá giá gạo.
Trong tháng 1/2013, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, lượng gạo dự trữ của châu Phi từ năm ngoái vẫn còn tương đối lớn nên nhu cầu mua gạo giảm và việc nhập khẩu sẽ chậm hơn nhất là những tháng đầu năm.
Theo Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam