Đến nay,Việt Nam là nước đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ và Trung Quốc.
Đó là thông tin được ông Hae Moon Chung, Tổng Thư ký Trung tâm Asean – Hàn Quốc (AKC) cho biết tại Hội thảo "Đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng và du lịch".
Tính đến 20/02/2013, Hàn Quốc đã có 3.223 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 24,842 tỷ USD, đứng thứ 4 sau Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và đứng thứ nhất về tổng số dự án đầu tư trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Chung, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài (2,789 dự án/19,45 tỷ USD) và liên doanh (367 dự án/4,45 tỷ USD).
Xu thế đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay chủ yếu hướng vào các lĩnh vực thế mạnh của quốc gia này là: công nghiệp chế biến, chế tạo; cơ sở hạ tầng; năng lượng; xây dựng; dịch vụ...
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Việt Nam hiện có 22 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 10,52 triệu USD, đứng thứ 30/59 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại (trung bình mỗi dự án có quy mô 478.114 USD).
Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ kiên trì thực hiện các chính sách nhất quán, minh bạch và quyết liệt hơn để Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh môi trường cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và quốc tế ngày càng trở nên gay gắt như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:
Tập trung vào việc sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư và hoàn thiện các chính sách pháp luật có liên quan;
Chấn chỉnh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài; (3) Tiếp tục thúc đẩy giải ngân dự án.
Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng cho biết, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung lựa chọn các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế từng vùng, từng ngành; thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Báo Công Thương Điện Tử/TTVN