Phản ứng khá tích cực sau thông tin lãi huy động còn 7,5%, hưng các doanh nghiệp cho rằng, với sức mua kém trong giai đoạn hiện nay, dù lãi vay có hạ cũng khó giải quyết vấn đề.
Sau 6 lần điều chỉnh từ tháng 8 năm 2011, lãi suất huy động hiện đã về 7,5%, giúp nhen lên hy vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạ nhanh trong thời gian tới nhằm giải quyết những khó khăn về vốn, và kích thích tiêu dùng. Trao đổi với VnExpress.net về mức lãi suất huy động mới này, theo ông Trần Xuân Kiên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, đây là một tín hiệu tích cực, vì có thể giúp hạ lãi suất cho vay.
Ông Kiên cho rằng, với việc lãi suất hạ, người dân ít cân nhắc hơn trong việc chi tiêu và gửi tiết kiệm, nên sẽ kích thích tiêu dùng hơn. Đồng thời, cũng tác động tốt tới tâm lý, khiến người dân tin nền kinh tế đang dần được cải thiện, làm việc mua sắm trở nên hào hứng hơn.
Đánh giá về mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, theo Tổng giám đốc Trần Anh, vẫn là khá cao. "Lãi suất chỉ nên duy trì ở mức 10 đến 12%. Nhưng mức tốt nhất là dưới 10%", ông Kiên nói.
Cùng quan điểm khi cho rằng, lãi suất huy động giảm là một tín hiệu tốt để doanh nghiệp có thể trông đợi lãi suất cho vay giảm, cải thiện những khó khăn về vốn, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco - Nguyễn Như So, mức cho vay chỉ nên ở 6%.
"Lãi suất như các nước chỉ có 2%-3%, Mỹ chỉ có 1%. Ở Việt Nam nên mạnh dạn giảm xuống 6%. Tôi chỉ vay có 9% một năm là đã thấy khó rồi. Bây giờ, lãi suất như hiện nay, thì các doanh nghiệp phải có 25% lãi gộp thì mới đủ, còn lương, trả phí các thứ nữa", ông So nói.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Dabaco, Chính phủ nên có những biện pháp khác để giúp doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vì hầu hết doanh nghiệp bây giờ đều khó khăn trong khâu tiêu thụ, với lượng hàng tồn kho cao và nhu cầu kém từ phía người dân. Trong đó, có những biện pháp như kích cầu hay mua lại khoản nợ giúp doanh nghiệp.
Theo đại diện một doanh nghiệp thép tại Vĩnh Phúc, đơn vị cũng hy vọng lãi suất huy động hạ khiến lãi suất cho vay hạ, nhưng với mức lãi chỉ khoảng 10%, và việc tiếp cận cần dễ dàng hơn.
"Nếu nói là mong muốn thì các doanh nghiệp cho là lãi suất chỉ 10% thì vẫn còn thở được. Nhưng hiện kể cả đưa lãi suất tốt, thì các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được. Do doanh nghiệp phải đưa tài sản đảm bảo khá lớn, trong khi đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất không bao giờ có nhiều tài sản đảm báo thế chấp", vị này nói.
Thêm nữa, nữ doanh nhân này cho rằng: "Thực ra trong bối cảnh này, lãi cao hay thấp, thì nhu cầu với vốn ngân hàng cũng chưa được mặn mà. Vì doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, do tiêu thụ hàng rất chậm".
Tương tự, theo đại diện một công ty bất động sản tại TP HCM, thời điểm này, việc lãi suất hạ cũng khó giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề. Lý do, theo ông này, cái khó bây giờ không phải là vốn, mà là dự án bất động sản không bán được, các đơn vị chủ yếu ưu tiên giải quyết số hàng tồn kho, chứ không mặn mà trong việc xây mới.
"Thời điểm này, tồn kho thì vẫn quá cao, mà không bán được. Xây mới thì thiệt đơn thiệt kép. Lãi suất 1% hay kể cả cho vay không lãi suất người ta cũng không sản xuất vì còn chi phí nhân công, điện nước...", ông này nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động giảm chưa có nghĩa ngay là giảm lãi suất cho vay. Hai chuyện này chưa chắc xảy ra cùng nhau.
"Bởi vì lãi suất cho vay là họ phải tính đến việc họ đã huy động vốn từ nhiêu nguồn khác nhau trước đấy, với lãi suất cao hơn. Nên việc lãi suất huy động giảm, có thể mở đường cho việc sẽ giảm lãi suất cho vay. Nhưng điều ấy không có nghĩa là sẽ giảm được ngay.
"Với điều kiện Việt Nam bây giờ, lãi suất giảm xuống còn 6% là chấp nhận được. Ngoài ra, còn phải giải quyết tồn kho và nợ xấu thì mới giải tỏa được, chứ còn riêng giảm lãi suất thôi thì con chim én chưa làm nên được mùa xuân", ông Doanh nói.
Báo cáo mới công bố của Khối Nghiên cứu Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) cũng cho rằng động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc lập công ty mua bán tài sản, mang ý nghĩa tâm lý nhiều hơn là hiệu quả thực tế.
Theo VnExpress