Bất chấp khó khăn của kinh tế, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI liên tục tăng nhanh. Mức tăng năm 2012 là 31,1% và quí 1-2013 là 21,1% so với cùng kỳ, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp FDI hôm 14-5 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, cho biết kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2012 (không kể dầu thô), đạt 64,05 tỉ đô la Mỹ (tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2011) và chiếm 55,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước (xấp xỉ 115 tỉ đô la). Đến quí 1 năm nay, tỷ trọng này là 57,9% và nếu tính cả dầu thô thì chiếm 64,2%.
Năm 2012 có 2.847 doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu từ 1 triệu đô la trở lên, tăng 30% so với năm 2011. Riêng Công ty TNHH Samsung Electronics năm ngoái xuất khẩu đạt 10,9 tỉ đô la, tăng 77,8% so với kim ngạch của chính doanh nghiệp này năm trước.
Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) quí 1-2013 đã chiếm 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Vai trò của các doanh nghiệp FDI đối với lĩnh vực xuất khẩu cũng rất quan trọng. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến xuất khẩu, lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất (75%) và có tốc độ tăng nhanh nhất trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng xuất đi các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối. Ví dụ: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại (95%), máy móc, thiết bị phụ tùng khác chiếm 91%. Các mặt hàng mà doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu lớn năm 2012 gồm điện thoại và linh kiện đạt 12,32 tỉ đô la, dệt may đạt 9,02 tỉ đô la; máy vi tính và linh kiện đạt 7,58 tỉ đô la...
"Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã thế chân vị trí số 1 trong danh mục giá trị các mặt hàng xuất khẩu của dầu thô", ông Hải nói. Vì dầu thô năm 2012 xuất đi được 8,23 tỉ đô la Mỹ.
Cũng vì xuất khẩu lớn, đương nhiên các doanh nghiệp FDI nhập khẩu lớn. Năm 2012, khối này nhập gần 60 tỉ đô la (tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2011). Tính chung cả năm, khối này xuất siêu 4,1 tỉ đô la (không tính dầu thô), giúp cả nước xuất siêu 781 triệu đô la.
Năm 2012, các doanh nghiệp đóng góp 20% tổng vốn đầu tư xã hội và đóng góp vào ngân sách 3,7 tỉ đô la qua các khoản thuế và khoản phải nộp khác.
Bộ Công Thương cho rằng, khối FDI vẫn tiếp tục là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Quí 1-2013, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 1,18 tỉ đô la, góp phần đem lại thặng dư thương mại của cả nước ở mức 278 triệu đô la.
Do lĩnh vực kinh doanh liên quan trực tiếp nhiều đến xuất nhập khẩu và hải quan nên các kiến nghị của khối FDI chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính hải quan, thủ tục hành chính mua bán giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp chế xuất, nghĩa vụ thuế nhà thầu, đăng ký tạm trú cho người nước ngoài nhập cư vào làm việc tại doanh nghiệp qua mạng. Thậm chí cả yêu cầu như Nhà nước nên phát hành văn bản pháp luật song ngữ (Anh-Việt) để doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có thể tham khảo và thực hiện...
Một số doanh nghiệp đề nghị mở rộng diện doanh nghiệp được hưởng ưu tiên của hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, đưa vật tư vào sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Phan Sinh, Phó cục trưởng Cục thống kê Hải quan, cho biết hiện có 13 doanh nghiệp FDI lớn và được đánh giá là minh bạch về hải quan, có kim ngạch xuất khẩu hơn 300 triệu đô la Mỹ/năm được hưởng diện ưu đãi hải quan. Để mở rộng, Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 63 đối với doanh nghiệp ưu tiên để có những điều chỉnh hợp lý hơn.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online