|
Ngày 5-7 tại TPHCM, Bộ Ngoại giao Việt
Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức
hội thảo với chủ đề "Quy chế thuế quan phổ cập (GSP) mới của EU: Cơ hội
cho các doanh nghiệp". Tại
hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho
rằng, lợi ích của GSP là tạo thuận lợi cho các nước chậm phát triển và
đang phát triển xuất khẩu hàng hóa vào các nước có GSP do mức thuế nhập
khẩu được giảm thấp, qua đó mà tăng năng lực sản xuất và giải quyết việc
làm và đảm bảo tăng trưởng. GSP cũng có tác động nhất định đối với việc
thu hút đầu tư. Để có thể khai thác chế độ GSP, các doanh nghiệp (DN)
phải nắm vững các quy định về GSP của từng nước (quy tắc xuất xứ, chế độ
trưởng thành, điều kiện về cạnh tranh, quy định về vận chuyển) để tránh
những vướng mắc (thậm chí thiệt hại) khi xuất khẩu theo chế độ này.
Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi
phí, hạ giá thành nhằm tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Mở rộng, đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất
khẩu vào một thị trường. Các hiệp hội ngành hàng, nhất là những ngành
có tỷ trọng xuất khẩu cao, có khả năng bị coi là "trưởng thành" không
được ưu đãi nữa, cần sớm thông tin, tuyên truyền để các DN thành viên
của hiệp hội nhận thức rõ những khó khăn sẽ phải vượt qua, cùng các DN
thành viên thảo luận, đề xuất, áp dụng những biện pháp cần thiết đem lại
hiệu quả cao nhất cho từng DN và cho cả ngành hàng. Theo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|