Các bộ ngành đã xây dựng cơ chế tuyển sinh đặc thù để đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhưng năm 2012 chỉ tuyển được 14 trong tổng số 1.200 chỉ tiêu.
Tại Hội nghị sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) ngày 11/7, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, đến hết tháng 6 có 226 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh. Trong đó có 77 dự án đầu tư với vốn đăng ký 16 tỷ USD và 26 dự án đã đi vào hoạt động.
Hiện có gần 12.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu trong Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó, gần 2.400 người nước ngoài.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, lương cơ bản các doanh nghiệp trong khu kinh tế trả cho người lao động khoảng hơn 4,5 triệu đồng mỗi tháng. “Những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học đa số thu nhập 7-8 triệu”, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch Hà Tĩnh cho biết.
Trong 3 năm từ 2013-2015, dự kiến tổng số nhu cầu nhân lực tại khu kinh tế Vũng Áng khoảng gần 68.000 người. Trong đó, công nhân kỹ thuật chiếm 54%... Riêng năm 2013, theo tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp và nhà thầu tại đây có nhu cầu sử dụng khoảng 18.000 lao động.
Từ năm 2009-2013, ngân sách Trung ương và tỉnh đã bố trí khoảng 750 tỷ đồng để đào tạo nhân lực cho khu Vũng Áng... Nhu cầu lớn, kinh phí đã rót, tuy nhiên, đến nay, công tác đào tạo lao động cho khu kinh tế này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với địa phương xác định cơ chế tuyển sinh đặc thù đối với 1.200 chỉ tiêu cho khu kinh tế Vũng Áng. Trường Đại học Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ làm đầu mối tuyển sinh. Tuy nhiên, kết quả chỉ tuyển được 14 chỉ tiêu.
Năm 2013, địa phương tiếp tục được giao 1.200 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học cho khu Vũng Áng theo hình thức xét tuyển đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Đối tượng được xét tuyển phải có kết quả đạt từ điểm sàn trở lên trong kỳ thi đại học năm nay.
"Hi vọng năm nay, số học viên đăng ký dự tuyển chương trình này sẽ đông hơn", ông Thiện nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, việc tính toán nhu cầu nhân lực cần phải dự trù cả số nghỉ việc để có thể chủ động hơn trong công tác đào tạo. “Tôi lấy ví dụ, trong một buổi làm việc gần đây, Samsung Việt Nam cho biết mỗi năm đơn vị này tuyển dụng rất nhiều, họ sẵn sàng trả lương cao, tạo điều kiện ăn uống tốt nhưng số người nghỉ việc vẫn lên tới 50%", Phó thủ tướng dẫn chứng.
Nguyên nhân của tình trạng nghỉ việc nhiều tại Samsung Việt Nam theo Phó thủ tướng là do lao động không nhập được hộ khẩu thường trú nên con cái họ khó khăn trong việc học tập hoặc một số người sau khi lập gia đình lại chưa có nhà để ở... Rút kinh nghiệm từ đơn vị này, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc Hà Tĩnh phải phát triển hạ tầng xã hội, bệnh viện, trường học... ở khu Vũng Áng để giữ chân người lao động.
Tổng diện tích nhà ở cho công nhân tại khu này đã được phê duyệt và quy hoạch là trên 1.300 ha. Tuy nhiên, đến nay, mới có 6ha được xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 1.800 lao động.
Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 2006 với tổng diện tích gần 23.000 ha, bao gồm 9 xã nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Một số dự án điển hình tại đây như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa - Đài Loan với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ USD, dự án phát triển khu du lịch dịch vụ Hồ Tàu Voi 70 triệu USD, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD, Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh 1 tỷ USD... |
Theo VnExpress