Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, hiện có các thành viên chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, có thể tạo cú hích mạnh, giúp GDP tăng thêm 26,2 tỉ USD.
Khởi động đàm phán từ tháng 10-2010, đến nay, Việt Nam đã qua 17 vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cái đích cuối cùng đang ngày càng gần hơn nhưng cũng như những hiệp định thương mại khác, Việt Nam sẽ phải đau đầu giải bài toán được - mất khi chính thức quyết định tham gia đàm phán, nhất là khi TPP không có cơ chế đặc biệt cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau.
Cú hích cho nền kinh tế
TPP là hiệp định đa phương giữa 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản. Đến nay, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư và các vấn đề về môi trường, lao động, chống tham nhũng… Khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỉ USD và sẽ tăng lên 37,5 tỉ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP.
Theo Bộ Công Thương, mục tiêu lớn nhất khi tham gia TPP của Việt Nam là tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước thành viên TPP thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam. Vì TPP đặt ra yêu cầu rất cao là xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3-5 năm hoặc 10 năm. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã là thành viên của TPP như Mỹ hoặc sắp tới là Nhật Bản.
Chẳng hạn năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may đạt hơn 15 tỉ USD, trong đó 50% là xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện nay, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ là 7% nhưng khi tham gia TPP, hàng dệt may của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, đem lại lợi ích rất lớn. Tương tự, mặt hàng da giày, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu 7,2 tỉ USSD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 31%. Nếu hiệp định TPP được ký kết, mặt hàng này cũng được hưởng thuế suất 0% thay vì mức 12% hiện nay. Đáng lưu ý là mặt hàng lúa gạo của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn vì các đối thủ chính là Thái Lan, Ấn Độ chưa tham gia đàm phán TPP...
Đến nay, đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc cũng chưa có đề xuất tham gia hiệp định này và đây là cơ hội để hàng Việt Nam có thể rẻ hơn nếu tận dụng được thuế suất ưu đãi khi vào các thị trường trong nội khối. Bên cạnh đó, TPP cũng được kỳ vọng là cú hích mới cho Việt Nam khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang bị chững lại.
Đối mặt với các rào cản
Nhưng để tận dụng được những lợi thế nói trên, doanh nghiệp (DN) không chỉ phải hiểu luật chơi mà còn phải biết cách chơi.
Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Ngoài ra, các quy định kỹ thuật của nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam. TS Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết hàng nông sản của Việt Nam vào TPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (rào cản TPP). Ví dụ quả thanh long muốn xuất khẩu sang Mỹ phải được kiểm dịch và chiếu tia bởi đúng đơn vị được Mỹ chỉ định hoặc dư lượng kháng sinh hàng thủy sản phải ở ngưỡng cho phép. Những quy định này nằm trong tay các nước nhập khẩu và hoàn toàn có thể bị lạm dụng để trở thành rảo cản không cho hàng Việt Nam xâm nhập.
Hàng Việt Nam cũng có khả năng phải đối mặt với kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều hơn nếu tăng được kim ngạch xuất khẩu vào các nước TPP. Đặc biệt là Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi vì Mỹ và một số thành viên vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, không giống như các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển nên không có chính sách ưu tiên như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO...
Một khía cạnh khác cũng được đề cập là thị trường nội địa chắc chắn bị thu hẹp khi hàng hóa của các thành viên TPP vào Việt Nam được gỡ bỏ mức thuế trung bình 11,7% hiện nay. Việc giảm thuế bằng 0% đối với các hàng hóa nhập khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước.
Cân nhắc lợi - hại
TS Nguyễn Thị Thu Trang cho biết hiện nay TPP đang trong quá trình đàm phán cấp tập với sự gay cấn, căng thẳng trong hầu hết các nhóm vấn đề vì nước nào cũng cố gắng giành nhiều nhất lợi ích cho mình. “Về nguyên tắc, tự do hóa là có lợi cho thương mại, cho dòng đầu tư và cho tăng trưởng kinh tế. Cơ hội hay thách thức từ các hiệp định thương mại đem lại phụ thuộc không nhỏ vào các kết quả đàm phán và phụ thuộc vào việc sau khi gia nhập, chúng ta có bảo đảm được các điều kiện để hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng hay không” - TS Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý. |
Theo Người Lao Động