Những vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra và dệt may Việt Nam hy vọng sẽ có bước đột phá lớn từ TPP. Các doanh nghiệp (DN) dệt may FDI đã nhanh chân, vượt trội hơn và ngày một bỏ xa DN trong nước trong cuộc chạy đua về xuất khẩu (XK) và tận dụng các cơ hội mới...
Dẫn đầu kim ngạch
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong hơn 3.000 DN dệt may trên cả nước, số lượng DN FDI chiếm khoảng 25% nhưng kim ngạch XK dệt may luôn chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch XK của cả nước.
Hiện nay, để chuẩn bị cho TPP, hầu hết các DN FDI của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đã tiếp tục mở rộng sản xuất khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu XK. Dù không có trong những nước tham gia đàm phán TPP nhưng nhiều DN sợi, dệt, nhuộm của Trung Quốc cũng tận dụng TPP, đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt Nam...
Việc DN FDI dẫn đầu về kim ngạch XK ở nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam không còn mới nhưng với dệt may, ngành có số lượng DN và quy mô hoạt động của DN trong nước tương đối khá mạnh, lại có một khoảng cách ngày một khá xa với DN FDI là điều đáng suy ngẫm. Hơn nữa, đây là ngành hàng chủ lực mà Việt Nam đã mang ra "cân đo đong đếm" trong các cuộc đàm phán TPP. Chúng ta kỳ vọng về việc sẽ bán được nhiều hàng khi vào TPP nhưng lấy cái gì để bán thì chưa được quan tâm! Sự đầu tư về công nghiệp phụ trợ, nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ của các DN trong nước tuy có nhưng nhỏ lẻ và quá ít so với các DN FDI. Nhiều DN dệt nhuộm tại TPHCM chia sẻ, muốn di dời, đầu tư ở nơi khác nhưng đến địa phương nào cũng né tránh vì sợ ô nhiễm. Kết quả, không chỉ luôn thua về kim ngạch XK mà sự chuẩn bị đón đầu TPP của DN trong nước cũng chậm hơn DN FDI. Theo các chuyên gia, trong khi các DN FDI đã nhanh chân đi trước thì chúng ta vẫn còn loay hoay với việc đánh giá "hậu WTO" về ngành dệt may, sau đó mới có giải pháp cho ngành?!
Doanh nghiệp trong nước nỗ lực đeo bám
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội nghị may mặc quốc tế vừa diễn ra tại Ấn Độ mới đây, thương mại may mặc toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong khoảng 10 năm tới. Dự kiến, đến năm 2025, kim ngạch thương mại dệt may toàn cầu sẽ gấp đôi, đạt khoảng 2.000 tỷ USD so với thời điểm hiện nay. Và các nước có ngành công nghiệp dệt may phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan sẽ giành lấy thị phần XK trước sự giảm sút thị phần từ Trung Quốc. Đây cũng là một trong những cơ sở để đánh giá dệt may vẫn sẽ là một trong những ngành XK quan trọng của Việt Nam ít nhất trong 10 năm tới.
Rõ ràng, tăng trưởng XK dệt may trong thời gian tới là điều tất yếu nhưng giá trị mang lại có cải thiện được hay không còn phụ thuộc vào cách đầu tư cho ngành dệt may. Chúng ta sốt ruột trước bước chuyển quá nhanh của DN FDI. Chúng ta nỗ lực cân đo đếm trong các phiên đàm phán TPP để có thể mang lại lợi ích cao nhất cho XK dệt may. Nhưng với những gì đang có, sẽ tiếp tục tạo ra khoảng cách và DN FDI lại được hưởng lợi nhiều hơn trong thời cơ gia nhập TPP.
Trong cuộc đua không cân sức này, nhiều đơn vị dệt may trong nước cũng đã nỗ lực đầu tư cho ngành dệt may. Đây được xem là những điểm sáng, niềm hy vọng của DN dệt may trong nước. Đi đầu trong đầu tư này là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Theo số liệu của Vinatex, trong 6 tháng đầu năm 2013, cũng với kim ngạch XK như năm 2012 nhưng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu trong năm nay giảm hơn so với năm trước khá nhiều, tỷ lệ nội địa hóa của Vinatex đạt hơn 50%. Nhiều dự án sợi, dệt nhuộm của Vinatex đã đi vào hoạt động như Nhà máy sợi Vinatex - Hồng Lĩnh quy mô 30.000 cọc sợi, Nhà máy Phú Bài 2 quy mô 15.000 cọc sợi... Và hiện đang triển khai nhiều dự án nhà máy sợi quy mô từ 10.000 - 30.000 cọc sợi như Nhà máy sợi Phú Hưng, Đông Quý, PVTEX Nam Định, PVTEX Phú Bài 3... Trong 6 tháng cuối năm 2013, Vinatex sẽ khởi công và hoàn thành 3 dự án nhà máy may tại khu vực miền Trung là Nhà máy may Vinatex Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Nhà máy may Vinatex Bồng Sơn (Bình Định) và Nhà máy may Vinatex Hương Trà (Thừa Thiên - Huế).
Tổng Công ty 28 (Agtex) cũng đang hợp tác với một tập đoàn sản xuất vải len hàng đầu của Nhật Bản đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm này thuộc hàng cao cấp, đạt tiêu chuẩn XK, có thể cung ứng cho các DN sản xuất veston trong nước và XK. Agtex hy vọng dự án này sẽ tạo đột phá mới vì giá trị gia tăng của vải len rất cao. Ngoài ra, Agtex cũng đang mở rộng thêm nhiều nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex), một DN sản xuất, XK hàng may mặc lớn của TPHCM và cả nước cũng đã có bước đón đầu TPP. Hiện DN đã đầu tư, mở công ty tại Mỹ để bán hàng trực tiếp ở thị trường này theo cách "mua tận gốc, bán tận ngọn". Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Garmex cho biết, hiện nhiều nhà nhập khẩu lớn là đối tác lâu năm của DN tại thị trường Mỹ đều muốn tăng lượng hàng cung ứng trong năm 2014 lên khoảng 20% - 30% so với hiện nay. Với khoảng 4.500 lao động hiện nay, DN đang thiếu năng lực sản xuất, vì vậy DN đang mở rộng đầu tư nhà xưởng, tăng thêm chuyền may tại các nhà máy ở Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG