Xem xét các điều chỉnh về chính sách tạo thuận lợi hơn trong trao đổi thương mại; khuyến nghị những ưu đãi cho các dự án hạ tầng, năng lượng; đưa hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ vào Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V... là những vấn đề được trao đổi tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản - JETRO Hiroyuki Ishige tại Hà Nội chiều 11/7.
Nhật là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu bổ trợ cho nhau phát triển. Những mặt hàng như rau quả, hạt điều, cà phê Việt Nam... đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu qua Nhật vì hợp thị hiếu người tiêu dùng và là mặt hàng được giảm thuế theo lộ trình Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA). Những mặt hàng này đang phải trải qua khâu kiểm tra chất lượng khắt khe của hai nước. Cả Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc JETRO Hiroyuki Ishige đều cho rằng, việc xem xét những điều chỉnh về kiểm soát và yêu cầu chất lượng đối với các mặt hàng nông, thủy sản là cần thiết để hai nước có thể tạo đột phá hơn nữa trong trao đổi thương mại song phương.
Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản - JETRO chuyên hỗ trợ cho các DN Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài. Tại Việt Nam, JETRO Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nền kinh tế Việt Nam thông qua tổ chức đàm phán thương mại, triển lãm cung ứng linh kiện, nguyên phụ liệu; cung cấp thông tin giới thiệu các dự án liên quan đến hạ tầng của Việt Nam cho các DN Nhật Bản quan tâm đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng; kết nối kinh doanh với các DN Việt Nam...
Về đầu tư, Nhật Bản hiện là quốc gia có lượng vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ông Hiroyuki Ishige cho biết, tính đến hết năm 2012, Nhật Bản có 317 dự án đầu tư vào Việt Nam; thống kê hết tháng 5/2013 số lượng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt trên Trung Quốc – đối tác thương mại đầu tư truyền thống và lớn của Nhật Bản. Đáng chú ý, một cuộc khảo sát gần đây được JETRO thực hiện cho thấy, 20 trong số 30 DN được hỏi có phản ứng tích cực và quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong đó, 10 DN đã có kế hoạch lập bước tiếp cận cụ thể, đàm phán với các đối tác sẵn sàng rót tiền đầu tư vào Việt Nam. "Làn sóng" đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam được cho rằng sẽ còn tiếp tục gia tăng hơn trong thời gian tới.
Ông Hiroyuki Ishige bày tỏ mong muốn, Việt Nam sẽ có những ưu đãi cho các DN Nhật Bản bởi tiềm lực của họ là rất lớn. Cụ thể, họ có khả năng chịu sốc tốt, kết quả kinh doanh luôn đạt doanh thu cao và có kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực tốt. Đồng tình với ý kiến của ông Hiroyuki Ishige, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định thêm, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu tỷ lệ thành công các dự án FDI tại Việt Nam; các DN Nhật Bản cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động xã hội, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường và góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Chính phủ Việt Nam nhất quán tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích các DN Nhật Bản kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Liên quan đến lĩnh vực ưu tiên hợp tác, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và cũng là một trong những mục tiêu phát triển nền kinh tế. Nhật Bản hiện được đánh giá là đối tác lớn và tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khuyến nghị JETRO cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) đẩy mạnh xúc tiến có hiệu quả hơn nữa và đưa lĩnh vực hợp tác này vào Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn V.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA quý báu. Tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản có quy mô lớn và tính chất vô cùng quan trọng như Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn.... Bộ trưởng mong muốn, Nhật Bản sẽ tiếp tục dành những ưu đãi về ODA cho các dự án hạ tầng, năng lượng tại Việt Nam.
Theo Vietnam Economic News