Kim ngạch của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 6 tháng đầu năm nay giảm hoặc tăng nhẹ qua nhiều thị trường chính, nhưng lại tăng mạnh sang thị trường Mỹ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố hôm 17-7.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2,82 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này qua nhiều thị trường đều giảm, như thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 9,5% (đạt 501 triệu đô la Mỹ), Nhật Bản giảm 4,1% (đạt 481 triệu đô la Mỹ), Hàn Quốc giảm 20,3%,...
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản qua Mỹ vẫn tăng 4,2%, đạt 579 triệu đô la Mỹ. Đây là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm trên 20% tổng xuất khẩu nhóm hàng này.
Ngoài ra, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong nửa đầu năm nay sang các thị trường như Trung Quốc giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 18 ngàn tấn), sang Hà Lan giảm 2,3% (đạt 10,9 ngàn tấn), sang Úc giảm 11,8%,... Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ - thị trường dẫn đầu về nhập khẩu và tiêu thụ hạt điều Việt Nam – tăng 21%, đạt 34,4 ngàn tấn, chiếm gần 1/3 lượng điều xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng năm 2013 đạt 7,89 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 3,98 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,2%, sang EU đạt 1,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,9%,....
Xuất khẩu giày dép đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá xuất khẩu sang EU là 1,39 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1% và chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, sang Nhật Bản đạt 184 triệu đô la Mỹ, tăng 15,6%, nhưng sang Mỹ đạt 1,27 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 20,1%
Xuất khẩu của nhiều mặt hàng sang Mỹ tăng mạnh một phần nhờ nhu cầu thị trường này đã bắt đầu phục hồi. Ngoài ra, gần đây nhiều doanh nghiệp Mỹ đến tìm mua hàng của Việt Nam để đa dạng hoá nguồn cung thay vì phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Theo ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), gần đây Mỹ có xu hướng đa dạng hoá nguồn cung giày dép nên thị phần của Trung Quốc tại Mỹ cũng giảm trong những năm gần đây, đặc biệt khi chi phí lao động của Trung Quốc đang tăng lên, cao gấp 3- 4 lần lương lao động Việt Nam.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), cũng cho biết Việt Nam được hưởng lợi phần nào từ sự điều chỉnh này. Ngoài ra, xuất khẩu giày dép sang Mỹ cũng được mở rộng nhờ các nhà nhập khẩu Mỹ cũng đang đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đối với hàng dệt may, mặc dù tổng nhập khẩu nhóm hàng này của Mỹ tăng nhẹ, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng mạnh nhất trong các nước. Theo số liệu của của cơ quan dệt may (Office of Textiles and Apparel - OTEXA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ đạt trên 31,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,23% về giá trị, 3,39% về lượng.
Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 11,41 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,44% về giá trị và 2,23% về lượng, chiếm tỷ trọng 35,8% trong tổng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ (tỷ trọng này trong cùng kỳ năm ngoái là 36%). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Việt Nam đạt 2,66 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,8% về giá trị và gần 18% về số lượng, chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ (cùng kỳ là 7,7%).
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online