Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi sau 2 tháng giá trị xuất khẩu giảm liên tiếp, với mặt hàng tôm lấy lại vị trí chủ lực trong khi hầu hết sản phẩm hải sản lại giảm.
Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dẫn nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 2,89 tỷ USD, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm dẫn dầu về giá trị xuất khẩu và mức tăng trưởng
Tôm vừa dẫn đầu về giá trị xuất khẩu, đạt 1,1 tỷ USD, vừa có mức tăng trưởng giá trị mạnh nhất trong cơ cấu hàng thủy sản, với mức 8,6%. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 71,5% so với cùng kỳ lên 456 triệu USD, còn xuất khẩu tôm sú tăng 0,04% lên 560 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có tháng 2 ghi nhận giá trị xuất khẩu tôm giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2012. Trong 3 tháng liên tiếp của quý 2, giá trị xuất khẩu tôm tăng lần lượt 9%; 22,9% và 18,5% so với cùng kỳ năm 2012 với giá trị xuất khẩu trung bình khoảng 230 triệu USD/tháng.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm các loại chiếm 38% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, chiếm thị phần lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu.
Hiện nay tại hầu hết thị trường lớn, khối lượng tôm nhập khẩu không tăng nhưng giá lại tăng liên tục. Một trong những nguyên nhân chính do thiếu nguồn cung từ Thái Lan - nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới - đã đẩy giá tôm thế giới liên tục tăng cao. Trong 2 quý đầu năm nay, hội chứng tôm chết sớm và thời tiết bất lợi đã làm giảm mạnh sản lượng tôm nuôi của nước này.
Suy thoái kinh tế khiến tôm chân trắng trở nên "đắt khách" trong quý 1. Với giá cả phù hợp hơn và đón trước nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trong năm nay nên nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia... đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm chân trắng. Riêng Ấn Độ, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng trong năm tài chính 2012 - 2013 tăng gấp đôi.
Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu tôm chân trắng trong cơ cấu xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam chiếm khoảng 41,3%, tôm sú 50,8% và tôm biển các loại 7,9%. Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng cũng chỉ giảm trong tháng 2 với mức 19,5% , các tháng còn lại đều tăng mạnh từ 5,8-71,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra giảm
Cho dù có đến 4 tháng giá trị xuất khẩu cá tra tăng trưởng (từ 1,8-40,7% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng tính chung cả 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu giảm nhẹ 0,5%, đạt 849,5 triệu USD.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tình hình xuất khẩu cá tra thời gian qua chưa khả quan hơn.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm nay là sự vươn lên mạnh mẽ của 3 thị trường chính là ASEAN, Mexico và Brazil. Sự bù đắp từ 3 thị trường này đã làm nhẹ bớt sự sụt giảm giá trị xuất khẩu từ 2 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất là Mỹ và EU. Cụ thể, xuất khẩu sang ASEAN 6 tháng liền tăng từ 8,5 - 82,2%, sang Brazil cũng tăng đến 2 con số - trong đó hai tháng 5 và 6 tăng hơn 110% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Mexico có nhiều tháng tương đối khả quan.
Từ tháng 5/2013, Mỹ đã vượt EU để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam bất chấp "gánh nặng" từ thuế chống bán phá giá do nhập khẩu cá tra vào EU liên tục giảm từ 5,3-39% so với cùng kỳ năm ngoái, và kết thúc tháng 6/2013, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 12,8%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU - thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất năm 2012, giảm tới 14%, dẫn đến giá trị xuất khẩu chung của cá tra đến tất cả các thị trường giảm nhẹ.
Xuất khẩu hải sản giảm ngoài dự đoán
Trong nửa đầu của năm, xuất khẩu hầu hết mặt hàng hải sản như cá biển, chả cá và surimi, cua ghẹ và giáp xác khác, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã có nhiều tháng giảm mạnh từ 10-27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá các loại giảm 4,2%; mực bạch tuộc giảm 22,8%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm gần 2%; cua ghẹ giảm 21,2%; duy nhất sản phẩm cá ngừ tăng nhẹ 2,7%.
Tuy nhiên, trong hai tháng 5 và 6/2013, xuất khẩu cá ngừ đã giảm lần lượt 12,5% và 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái do xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản gặp trở ngại. Trong những tháng gần đây, do ảnh hưởng của đồng Yên mất giá và việc chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều chính sách nhằm siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm nên xuất khẩu hải sản và cá ngừ nói riêng sang thị trường này có nhiều khó khăn.
Theo NDHMoney