|
Bungari là một quốc gia nằm ở Đông - Nam Châu Âu, giữa bán đảo Balkan, phía Bắc giáp Ru-ma-ni, phía Nam giáp Hy Lạp, phía Đông - Nam giáp Thổ Nhĩ Kỳ, phía Đông giáp Biển Đen, phía Tây giáp Xéc-bi-a, có mối quan hệ nồng ấm lâu đời với Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng... giữa Việt Nam - Bungari đang được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương phát triển với mong muốn nâng cấp quan hệ trở thành đối tác tin cậy, quan trọng của nhau.
Các nhà đầu tư Bungari hiện đang hoạt động tại 5 địa phương thuộc các tỉnh: Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực: dệt may, chế biến cà phê, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ...
Trong năm 2012 do tình hình chính trị khá ổn định, kinh tế Bungari bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ở một số ngành kinh tế mũi nhọn như: khai khoáng, chế biến nông phẩm, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và dịch vụ. Mặc dù bị tác động và ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và nợ công tại châu Âu, nhưng nhờ thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ nghiêm ngặt tiết kiệm, chính phủ đã dần từng bước tái cơ cấu hệ thống tài, chính ngân hàng và quản lý nợ công hiệu quả. Bungari đã giữ được kinh tế vĩ mô ổn định giai đoạn (2011 - 2012) GDP tăng trưởng bình quân 1,8%/năm, lạm phát thấp 2,3%. Trong lĩnh vực đầu tư, với nhiều chính sách hấp dẫn mời gọi đầu tư: chính sách thuế, thủ tục hành chính được tinh giảm, cơ sở hạ tầng phát triển... việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Bungari trong năm 2012 đã được cải thiện hơn. Bungari đã tăng 12 điểm trong năng lực cạnh tranh tại khu vực châu Âu, đứng thứ 62 trên 144 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Eurostat năm 2012, Bungari là một trong 10 nước thuộc Liên minh châu Âu EU có GDP tăng trưởng dương. Về cơ cấu ngành và lĩnh vực trong GDP: nông nghiệp chiếm tỷ trọng 9%, công nghiệp 29,5% và dịch vụ là 61,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6.800 Euro/người, đời sống dân sinh dần được cải thiện hơn.
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam - Bungari
Hiện nay mức độ trao đổi hàng hóa giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa vượt quá 100 triệu USD/năm. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 69,2 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Bungari 26,9 triệu USD và nhập khẩu từ Bungari 42,3 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Bungari các mặt hàng như cà phê, hàng dệt may, đồ gỗ, giầy dép, hạt tiêu, thuỷ sản, rau quả v.v... và nhập khẩu thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, lúa mỳ, rượu vang, thức ăn gia súc, nguyên liệu và phụ gia chế biến thức ăn gia súc, máy móc thiết bị cơ khí và xây dựng...
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam đến hết tháng 12/2012, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Bungari đạt 58,9 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Bungari là: 37,2 triệu USD tăng 37,83%, và nhập khẩu từ Bungari vào Việt Nam là: 21,7 triệu USD giảm 48,71% so với cùng kỳ năm 2011. Các mặt hàng chủ yếu Bungari nhập khẩu từ Việt Nam là: Gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, thủy sản đông lạnh, các sản phẩm từ cao su, đồ da, may mặc, giày dép, máy tính và phụ kiện linh kiện điện tử. Bungari xuất khẩu các mặt hàng chính sang Việt Nam gồm: Thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, lúa mỳ, thức ăn gia súc, nguyên liệu và phụ gia chế biến thức ăn gia súc, máy móc thiết bị cơ khí và xây dựng.
Thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Bungari
Đơn vị: triệu USD
Năm |
Việt Nam xuất khẩu |
Việt Nam nhập khẩu |
Tổng kim ngạch |
2005 |
17,5 |
4,5 |
22,0 |
2006 |
40,6 |
7,4 |
48,0 |
2007 |
35,9 |
10,3 |
46,2 |
2008 |
75,1 |
16,0 |
91,1 |
2009 |
41,3 |
28,9 |
70,2 |
2010 |
36,9 |
49,2 |
86,1 |
2011 |
26,9 |
42,3 |
69,2 |
2012 |
37,2 |
21,7 |
58,9 |
Nhìn chung, giá trị trao đổi thương mại Việt Nam - Bungari còn ở mức thấp so với buôn bán của Việt Nam và các quốc gia Trung - Đông Âu khác. Một phần vì thị trường Bungari cũng tương đối nhỏ (7,3 triệu dân), thu nhập và sức mua của người dân không cao nếu so với các nước trong khu vực. Để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, hai nước cần ưu tiên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác như: phát triển nguồn năng lượng điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, an ninh năng lượng, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ sinh học về vật nuôi, cây trồng, bảo quản và chế biến rau hoa quả sau thu hoạch, du lịch...
Theo Cục Xúc Tiến Thương Mại
|