Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm 6 tháng đầu năm nay tăng 7,15% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch 141,3 triệu USD. Tính riêng tháng 6/2013, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm lại giảm 24,9% so với tháng liền kề trước đó.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp mặt hàng nguyên phụ liệu dược phẩm của Việt Nam trong nửa đầu năm 2013 với kim ngạch 70,9 triệu USD, chiếm 50,1% tổng kim ngạch, giảm 1,29% so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường Ấn Độ với kim ngạch nhập 24,2 triệu USD, giảm 7,21%. Tuy đứng thứ 3 về kim ngạch chỉ đạt 10,6 triệu USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ thị trường Áo lại tăng 143,07% - đây cũng là thị trường có sự tăng trưởng mạnh.
Ngoài những thị trường kể trên Việt nam còn nhập khẩu từ các thị trường như Đức, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản…
Thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm 6 tháng năm 2013
ĐVT: USD
Thị trường |
KNNK 6T/2013 |
KNNK 6T/2012 |
% so sánh |
Tổng KN |
141.382.048 |
131.943.921 |
7,15 |
Trung Quốc |
70.950.462 |
71.877.026 |
-1,29 |
Ấn Độ |
24.254.877 |
26.138.758 |
-7,21 |
Áo |
10.607.086 |
4.363.715 |
143,07 |
Tây Ban Nha |
5.323.060 |
3.834.896 |
38,81 |
Đức |
4.353.311 |
4.846.699 |
-10,18 |
Pháp |
3.561.941 |
2.618.146 |
36,05 |
Thụy Sỹ |
3.166.442 |
2.148.137 |
47,40 |
Italia |
2.722.892 |
2.055.253 |
32,48 |
Hàn Quốc |
2.494.096 |
2.077.420 |
20,06 |
Anh |
1.535.086 |
1.672.919 |
-8,24 |
Nhật Bản |
479.514 |
344.108 |
39,35 |
(Nguồn số liệu: TCHQ)
Theo nguồn Nhandannewspaper, ước tính, cả nước mỗi năm sử dụng gần 70 nghìn tấn dược liệu, thuộc gần bốn nghìn loài thực vật, trong đó 90% là nhập khẩu, 80-85% được nhập qua đường tiểu ngạch.
Phó Cục trưởng Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, nguồn dược liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc theo con đường phi mậu dịch chiếm tỷ trọng lớn, nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm chất lượng, một số dược liệu quý hiếm đắt tiền đã bị chiết xuất hết hoạt chất khi nhập về. Hơn nữa việc sử dụng lưu huỳnh để bảo quản thuốc quá mức làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người sử dụng. Việc đánh giá dược liệu chủ yếu dựa vào cảm quan, cạnh tranh quyết liệt trên thị trường về giá nên hậu quả cuối cùng là ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Tất cả các công ty, cơ sở kinh doanh và sản xuất dược liệu của nước ta đều phụ thuộc vào thị trường dược liệu Trung Quốc. Lý giải vấn đề này, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Dược T.Ư Mediplantex cho rằng, vì Trung Quốc có nguồn dược liệu đa dạng, nền đông y lâu đời, quy hoạch hợp lý, có nhiều vùng đất rộng lớn với từng loại dược liệu khác nhau, đầu tư chiều sâu hoàn thiện từ quy trình trồng trọt, đến cải tạo giống, chế biến sau quy hoạch, nhất là có sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ và giá thành rất hợp lý.
Phần lớn các cơ sở chế biến thuốc từ dược liệu tại thành phố chỉ biết nơi bán dược liệu chứ không biết rõ nguồn gốc, phương pháp thu hái, chế biến và bảo quản. Việc mua bán dược liệu thường thông qua hóa đơn tài chính, giấy biên nhận và phiếu kiểm nghiệm mang tính hình thức, không thể hiện rõ chất lượng.
Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định trong việc lưu thông phân phối dược liệu nhập khẩu như: Quy định về bao bì, nguồn gốc, ngày đóng gói, hạn sử dụng, tên cơ sở đóng gói để việc quản lý chất lượng và nguồn gốc dược liệu được tốt hơn.
Theo vinanet
|