Đây là khẳng định của ông Marco Francis- Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Seychelles tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Seychelles "Khuyến khích đối tác kinh tế" do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/8.
Tiếp cận thị trường châu Phi
Seychelles là một nước châu Phi với diện tích chỉ 455km2 với dân số hơn 90.000 người nhưng lại có hơn 1,3 triệu km đường biển nên thủy sản và du lịch là hai ngành trụ cột chính của nền kinh tế. Việt Nam và Seychelles thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt khoảng 2,2 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khoảng 1,3 triệu USD chủ yếu là gạo, sản phẩm hóa chất và lưới đánh cá. Seychelles là 1 trong 7 nước châu Phi hiện có đầu tư vào Việt Nam với 8 dự án, tổng số vốn là 33,6 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chính của Seychelles gồm sản xuất băng keo và các nhãn hàng băng nhựa, sản xuất và gia công các sản phẩm lò xo dùng trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến và đóng hộp thủy sản, rau quả, ngũ cốc...
Với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, cũng như sự tương đồng về tiềm năng kinh tế biển và tốc độ phát triển của thương mại, dịch vụ du lịch, ông Marco Francis- Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Seychelles- cho rằng, hai nước sẽ có cơ hội tiến xa hơn. Thông qua ngành dịch vụ tài chính và khu vực dịch vụ quốc tế của Seychelles có thể giúp Việt Nam tiếp cận với một thị trường lớn hơn đó là châu Phi. Là thành viên của Cộng đồng phát triển Nam châu Phi (SADC), thị trường chung Đông và Nam châu Phi (COMESA) và Hội đồng Ấn Độ Dương (IOC), Seychelles sẽ đảm bảo cho Việt Nam tiếp cận được một cộng đồng hơn 700 triệu người hoặc 1,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Seychelles hiện có 5 thỏa thuận chống đánh thuế 2 lần đang có hiệu lực và nhiều thỏa thuận khác đang chờ được đàm phán với các nước thuộc SADC và COMESA. Những thỏa thuận này sẽ gia tăng lợi ích của việc thâm nhập các thị trường trên thông qua Seychelles.
Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt
Trong giai đoạn 2011-2013, thị trường châu Phi được dự đoán là sẽ tiêu dùng đến 24 triệu tấn gạo, trong đó 10 triệu tấn sẽ phải nhập khẩu, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. Mặt khác, hiện Seycheles là nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chiếm 80% từ đồ tiêu dùng đến máy móc, nhiên liệu.
Cơ hội đẩy mạnh hợp tác của hai nước chính là ngành thủy sản, thu hút nhiều đội tàu cá và giá trị gia tăng cho ngành cá, nuôi trồng kỹ thuật cao trong nông nghiệp, khai thác dầu và các dịch vụ liên quan và thương mại, du lịch. Và những mặt hàng của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Seychelles gồm cả hàng hóa dễ hỏng và hàng hóa cơ bản, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm cho khách sạn, hàng hóa cho siêu thị bao gồm các sản phẩm y tế, trang sức, rượu, bánh kẹo, dầu ăn, gừng, tỏi, các đặc sản của Việt Nam, đồ gỗ, sản phẩm điện tử, truyền thông vật liệu xây dựng.
Bộ trưởng Ngoại giao Seychelles- ông Jean Paul Adam- cho biết, Seychelles là quốc gia châu Phi gần Việt Nam nhất, với dịch vụ hàng không, viễn thông phát triển hết sức thuận lợi, trong khi đó, các doanh nghiệp vào Seychelles không cần xin visa và giấy tờ tiêm chủng. Giấy phép nhập cảnh được cấp trước khi đi 1 đến 2 phút. Đặc biệt, Seychelles cam kết đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư, cũng như có các ưu đãi về thuế cho việc đầu tư vào ngành thủy sản, du lịch, năng lượng.
Sự hoàn chuyển lợi nhuận của các quỹ và đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo Báo Công Thương Điện Tử