Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam nhiều năm nay dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1 tỉ USD, song chỉ 10% số này được xuất có thương hiệu. Xây dựng tên tuổi cho nông sản Việt Nam cho đến giờ vẫn là bài toán khó đối với không ít doanh nghiệp.
Cách đây chưa lâu, khi tìm hiểu về thị trường nấm tươi ở Hà Nội, PV có một phát hiện khá bất ngờ là: Hầu hết những sản phẩm nấm tươi sản xuất trong nước đều được đóng gói và mang bán theo kiểu... "vô chủ", nghĩa là tìm mỏi mắt hiếm thấy sản phẩm có dán mác bao bì, in tên sản phẩm, nhà sản xuất... Các loại nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ... rất tươi ngon tại các siêu thị, chợ dân sinh đều được nhập trực tiếp từ cơ sở sản xuất và bán tươi trong ngày.
Chỉ có một số sản phẩm có tên tuổi nhưng đều là phân phối sản phẩm. Hỏi ra mới biết, những cơ sở làm nấm này nếu tiêu thụ ngoại tỉnh hoặc trưng bày hội chợ thì phải thông qua tên của hợp tác xã (HTX) với nhiều thủ tục đi kèm. Đơn cử như một hộ trồng nấm có tiếng ở Sóc Sơn, mỗi lần muốn quảng bá sản phẩm rộng khắp đều phải lấy tên của HTX rất dài ngoằng: HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện, Quảng Hội, Sóc Sơn, Hà Nội.
Đây chỉ là ví dụ nhỏ trong câu chuyện về xây dựng thương hiệu nông sản VN. Thực tế, nhiều thương hiệu đã được vinh danh như vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên... nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để xây dựng tên tuổi, không ít DN đã mất cả quá trình lâu dài, tốn kém cả về tiền bạc, nhân lực lẫn thời gian.
Số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), năm 2012, Việt Nam có tới 933 sản phẩm nông sản, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ lại chỉ có 136 thương hiệu sản phẩm. Trong khi đó, hàng loạt các nông sản như sắn, chè, càphê, cacao... xuất thô và chấp nhận... "nhập tinh" trở lại với giá đội lên gấp nhiều lần.
Ông Đào Anh Tuân – GĐ Cty chè Thế Hệ Mới (thương hiệu Cozy), chia sẻ: Không riêng sản phẩm chè, nhiều mặt hàng nông sản khác khi gia nhập thị trường xuất khẩu đều lựa chọn con đường xuất thô vì chi phí ít, thu hồi vốn nhanh. Song vì xuất thô trong khoảng thời gian quá dài khiến nhiều DN quy mô nhỏ lẻ dễ dàng thâm nhập, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng.
Việc xây dựng thương hiệu, vốn đã quá khó khăn để cạnh tranh nay lại càng khốn đốn hơn khi liên tục gặp các rào cản kỹ thuật khắt khe từ phía nhà nhập khẩu, mà chè là một trong những nông sản đang vướng phải khó khăn này. Theo ông Tuân, để làm nên một thương hiệu cần quá nhiều điều kiện, trong đó DN phải đủ "lực" mới có thể gánh hàng loạt chi phí không hề nhỏ.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ NNPTNT, để quảng bá các thương hiệu nông sản Việt Nam với thế giới. Ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của DN, cần hơn nữa ý thức sản xuất của nông dân và các cơ chế hỗ trợ thỏa đáng từ các cơ quan quản lý.
Trong đó, đẩy mạnh nguồn nhân lực có trình độ, xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp, sản xuất theo hình thức chuỗi sản phẩm và áp dụng tối đa KHKT. Sự liên kết "4 nhà" theo bộ này, là yếu tố tiên quyết để từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Theo Báo Lao Động