Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giày dép đạt 6,7 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kì năm 2012, là một trong những ngành hàng đạt mức tăng trưởng kim ngạch cao trong 10 tháng.
Trong những tháng gần đây, kim ngạch XK mặt hàng giày dép đã liên tục sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ. Trong đó, riêng trong tháng 9, kim ngạch XK mặt hàng giày dép chỉ đạt trên 549 triệu USD, giảm trên 25,14% so với tháng 8.
Trong tháng 9, kim ngạch XK giày dép sang hầu hết các thị trường lớn đều bị sụt giảm về kim ngạch so với tháng trước. Cụ thể, thị trường Hoa Kỳ giảm 9,63%, Anh giảm 19,16%, Nhật Bản giảm 19,12%. Đặc biệt có một số thị trường giảm mạnh như Đức giảm 31%, Trung Quốc giảm 65% và Braxin giảm 72,12%.
Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK giày dép tại các thị trường vẫn đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kì năm 2012. Trong đó, thị trường Hoa Kì tăng trên 17%, thị trường Anh tăng trên 9%; thị trường Đức tăng trên 8%... Thông tin từ các DN ngành da giày cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK trong thời gian qua có sụt giảm nhưng các DN cũng không bị thiếu đơn hàng. Dự kiến, trong năm nay, kim ngạch XK các mặt hàng giày dép sẽ vượt mức 8 tỷ USD, đây là cột mốc cao nhất từ trước tới nay.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, từ đầu năm đến nay đơn hàng của ngành da giày khá dồi dào. Đến thời điểm này các DN vẫn đang tất bật với các đơn hàng dồn về. Do vậy, mục tiêu kim ngạch XK 9,7 tỉ USD năm 2013 (trong đó kim ngạch XK giày dép khoảng 8 tỉ USD) là trong tầm tay.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuấn, bên cạnh tốc độ tăng trưởng tích cực của kim ngạch XK, giá trị gia tăng của ngành da giày trong năm 2013 cũng đã đạt mức từ 45-55%. 80% DN trong ngành đạt được công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới. Đa số các DN đã áp dụng công nghệ lean vào sản xuất (các khâu của quy trình sản xuất tập trung trong cùng 1 phân xưởng), nâng công suất lao động tăng 30%. Hiện toàn ngành đang nỗ lực chuyển sang thế hệ dây chuyền sản xuất thứ 3 để có thể sớm tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Theo Lefaso, hiện quy mô sản xuất của ngành da giày khá lớn với 1.100 DN tạo công ăn việc làm cho khoảng 720.000 lao động. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cơ sở sản xuất với hàng chục nghìn lao động trên khắp các địa phương trong cả nước. Vì vậy, ngành Da giày - Túi xách có thể đáp ứng được các đơn hàng XK cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa lớn với yêu cầu chất lượng cao.
Mặc dù vậy, hiện tại, các DN da giày còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, ngoài những khó khăn phát sinh từ nội tại của ngành da giày như thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có tay nghề cao, phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu NK dẫn đến giá trị gia tăng trong các sản phẩm XK còn hạn chế, lợi nhuận của các DN trong ngành còn thấp, cơ chế lương tối thiểu hiện nay cũng gây không ít khó khăn về nguồn tài chính cho DN.
Theo phân tích của ông Nguyễn Đức Thuấn, với cơ chế tăng lương như hiện nay thì DN sẽ phải tăng lương đồng đều cho các DN từ bậc 1 đến bậc 7. Tuy nhiên, nếu như lao động DN bậc 1 chỉ tăng thêm 180.000/tháng thì lương của lao động bậc 7 phải tăng lên đến đến 870.000 đồng/tháng. Và nếu lương cơ bản tăng khoảng 15% thì tổng quỹ lương của DN sẽ phải tăng lên từ 22-27%. Điều này đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng, nhiều DN do khó khăn về tài chính ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo Báo Hải Quan