Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang ráo riết vào cuộc nhằm tạo dựng một nền sản xuất sạch, kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng nông sản, song đến nay, tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn diễn ra tràn lan; quá trình tổ chức sản xuất, quản lý vẫn chồng chéo, nan giải... Thực tế xây dựng một thị trường nông sản sạch còn nhiều khó khăn.
Cung - cầu bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu, hiện nay, người tiêu dùng vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản an toàn. Những năm qua, không ít tổ chức nước ngoài đã tham gia hỗ trợ các đơn vị trong nước xây dựng chuỗi nông sản an toàn, tạo được đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi dự án hợp tác kết thúc, các tổ chức quốc tế rời đi, phía Việt Nam không thể tiếp tục duy trì dự án bởi chi phí vận hành lớn. Trong khi đó, trên thị trường nội địa hiện nay, giá bán sản phẩm nông sản sạch với các sản phẩm thông thường chưa có sự chênh lệch lớn. Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng chưa thực sự tin vào độ "sạch" của sản phẩm nên vẫn lựa chọn mua hàng chợ rẻ tiền hơn. "Tất cả các yếu tố này vô hình trung khiến cho thị trường nông sản sạch không đứng vững nổi", Thứ trưởng Xuân Thu khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn-Ipsard) cho rằng: Việc hình thành và phát triển các chuỗi nông sản an toàn hiện nay còn quá nhiều điều phải bàn. Đơn cử như đối với mặt hàng rau. Theo nghiên cứu của Ipsard, riêng tại TP. Hà Nội nhu cầu tiêu thụ rau xanh khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương 950.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng rau thực tế mới chỉ đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng được 60% nhu cầu. Đặc biệt, trong số đó, rau an toàn (RAT) chỉ đáp ứng khoảng 14-15% tổng số nhu cầu. "Nghịch lý rõ ràng là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn thì nhiều nhưng RAT hiện nay vẫn khó bán. Giá sản phẩm nhiều khi chỉ ngang hàng với sản phẩm thông thường nên nông dân không mấy hào hứng. Bên cạnh đó, việc tổ chức hệ thống phân phối RAT còn nhiều bất cập, chưa tiện lợi để người tiêu dùng có thể tiếp cận", ông Thắng nói.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), vấn đề còn nằm ở chỗ, Việt Nam luôn tự hào năm nay kim ngạch XK rau quả có xu hướng tăng trưởng, đạt hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, xem xét kỹ mới thấy tỷ lệ XK chủ yếu vẫn là quả, rau chỉ chiếm 15% và chỉ chiếm 1% sản lượng thương mại rau quả trên thị trường thế giới. Thực tế là, nhiều loại rau của Việt Nam XK sang châu Âu lại không mang thương hiệu Việt mà được gắn mác bởi DN NK do những lo ngại về chất lượng nông sản có xuất xứ Việt Nam. Đây là thiệt thòi lớn với tiềm lực hiện có.
Quản lý chồng chéo
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Như Tiệp-Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mấu chốt vấn đề là công tác quản lý còn quá cồng kềnh, thiếu toàn diện. "Nhiều sản phẩm có 3 bộ cùng tham gia quản lý nên dẫn đến tình trạng chia 3 sẻ 7, gây lãng phí nguồn lực vốn đã hạn", ông Tiệp khẳng định. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hiện nay còn thiếu bài bản, nhiều sự trùng lặp. Trên thực tế, đoàn thanh tra này vừa đi, đoàn khác đã tới kiểm tra. Cùng với đó, việc chậm điều tra sự cố vi phạm an toàn thực phẩm, chậm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng khiến cho việc kiểm soát chất lượng nông sản bị hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng bổ sung: Một trong những điểm yếu của thị trường Việt Nam là chúng ta có quá nhiều luật về an toàn thực phẩm nhưng chưa có ai bị ra vành móng ngựa vì sản xuất sản phẩm không an toàn. Ngoài ra, thị trường nông sản sạch còn tồn tại nhiều mâu thuẫn cơ bản như mâu thuẫn người sản xuất vừa muốn bán sản phẩm được giá nhưng không chịu đầu tư. Người tiêu dùng muốn ăn sản phẩm sạch nhưng lại muốn mua rẻ.
"Chúng ta kỳ vọng vào sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng điều kiện sản xuất, hạ tầng còn kém không đáp ứng được nhu cầu. Thị trường nông sản sạch chưa minh bạch, chưa làm tốt khâu liên kết giữa nhà sản xuất và người phân phối", bà Lý nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Hiện nay, 85% sản lượng rau quả nước ta là phục vụ thị trường trong nước, chỉ có 15% dành cho XK. Tuy nhiên, từ xưa đến nay chúng ta vẫn quản lý theo kiểu tư duy ngược, cái gì tốt thì đem XK cho người nước ngoài dùng, cái xấu để cho dân ta ăn. "Chúng ta nên quan tâm hơn đến thị trường nội địa bởi khi hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt hơn một mặt người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi, mặt khác uy tín hàng Việt Nam sẽ được cải thiện và sẽ thuyết phục được người tiêu dùng trên thị trường quốc tế", ông Dũng nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn thị trường nông sản phát triển an toàn không chỉ có chế tài là đủ mà vấn đề chính vẫn là phương pháp quản lý, tăng cường kiểm soát đầu vào của chuỗi thực phẩm theo hình thức quy về một mối, tránh chồng chéo như hiện nay. Trong đó, cần có cái nhìn toàn diện từ thị trường XNK đến thị trường nội địa để tạo sự phối hợp liên kết nhằm xây dựng khung pháp lý, điều kiện cơ bản kiểm soát tốt an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích DN tham gia thị trường nông sản sạch, liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và DN. Đây là mấu chốt của thị trường vì thiếu sự tham gia của DN không thể xây dựng được một thị trường hoàn chỉnh.
Theo Báo Hải Quan