Theo báo cáo của Bộ Công thương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp da giày năm 2013 khá thuận lợi, khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 8 tỷ USD.
Do sự nỗ lực của các doanh nghiệp, công với nhu cầu của các nước nhập khẩu tăng nên sản lượng giày, dép da xuất khẩu năm 2013 ước đạt 256,1 triệu đôi, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện xuất khẩu giày dép các loại năm 2013 đạt 8,366 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, xong việc tăng trưởng ở mức 15% về kim ngạch xuất khẩu là một điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch và dự báo trước đó thì chưa được như mong muốn.
Nguyên nhân là các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường: EU, Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành da giầy Việt Nam phải đầu tư phát triển mạnh mẽ công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các nước này. Do đó phần nào ảnh hưởng điến kim ngạch xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2014, xuất khẩu da giày của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thế giới hiện nay có nhiều biến động vì nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.
Do đó, để sẵn sàng cho việc gia nhập Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành da giày cần phải đẩy mạnh việc nội địa hóa đối với các nguyên phụ liệu, kể cả da thuộc để đáp ứng nhu cầu của Hiệp định và đảm bảo phát triển bền vững./.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam