|
Còn gần một tháng nữa mới hết năm, thế nhưng 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày và túi xách đã đạt 9,1 tỷ USD, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm gần một tỷ USD, ngành dệt may đạt 18,4 tỷ USD, gần sát với mục tiêu 18,5 tỷ USD của cả năm 2013.Mừng, nhưng chưa hết lo.
Xuất khẩu cán đích
Những ngày cuối năm, khu vực kho thành phẩm xuất khẩu tại Hà Nội của Tổng công ty (TCT) May Đức Giang tấp nập xe ô-tô hối hả "ăn hàng". Từng thùng sản phẩm áo sơ-mi, giắc-két đang được công nhân bốc lên xe chở công-ten-nơ chuẩn bị vận chuyển ra cảng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Mỗi ngày TCT có tới 40 công-ten-nơ đóng hàng đưa đi xuất khẩu. Tại 20 nhà máy may của DN này đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình,... công nhân đang gấp rút sản xuất để kịp giao nốt những lô hàng cuối cùng của năm. Đến thời điểm này, doanh thu xuất khẩu của TCT May Đức Giang đã đạt 95% kế hoạch năm, dự kiến năm 2013, con số này ước đạt 66 triệu USD, tăng tới 30% so cùng kỳ.
Không chỉ TCT May Đức Giang, năm nay, nhiều DN dệt may khác cũng có tình hình xuất khẩu khả quan. Công ty cổ phần May Hồ Gươm đến thời điểm này đã hoàn thành 95% kế hoạch đề ra trong khi mục tiêu năm 2013 đạt kim ngạch xuất khẩu 45 triệu USD, tăng 15 triệu USD so năm 2012. Phó Giám đốc công ty Phí Ngọc Trịnh cho biết, việc chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất đã giúp DN giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm, bảo đảm thời gian giao hàng. Điều này góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để DN thu hút được những đơn hàng từ các thương hiệu lớn của Tây Ban Nha, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản...
Với TCT May 10, Giám đốc điều hành Thân Đức Việt chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của TCT ước đạt hơn 200 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ. Ngay từ đầu năm, May 10 đã nhận được số lượng lớn đơn hàng xuất khẩu, cho nên để tăng năng lực sản xuất, TCT đã đầu tư thêm bốn dây chuyền sản xuất sản phẩm có thế mạnh là sơ-mi chất lượng cao tại huyện Thiệu Đô (Thanh Hóa) và 12 dây chuyền áo sơ-mi tại Xí nghiệp Hà Quảng (Quảng Bình); một dây chuyền sản xuất vestton cao cấp tại Xí nghiệp may Hưng Hà (Thái Bình)... Đặc biệt DN đổi mới công tác nghiên cứu tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất lao động dựa trên cơ sở áp dụng phần mềm thao tác chuẩn IEES và phần mềm tính hiệu quả năng suất G-PRO để giảm thao tác thừa trong sản xuất... Tại Công ty cổ phần Đồng Tiến, không chỉ duy trì ổn định khách hàng truyền thống, công ty còn mở rộng khai thác các thị trường mới bằng những sản phẩm riêng biệt, ít bị cạnh tranh, như quần áo trượt tuyết, áo thun, quần lót nam, nữ... Theo Phó Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Thị Hồng Đức, 11 tháng qua, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 51,6 triệu USD, dự kiến cả năm nay, con số này sẽ là 57 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ.
Đánh giá tình hình xuất khẩu dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may năm nay tương đối khả quan, với kim ngạch xuất khẩu có khả năng đạt khoảng 20 tỷ USD, nếu kể cả xuất khẩu nguyên phụ liệu thì có thể đạt tới 21 tỷ USD. Năm 2013, ngành dệt may vẫn là một trong những ngành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, với tỷ trọng chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tương tự như dệt may, ngành da giày cũng đã về đích trước một tháng. Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ, 11 tháng qua ngành da giày và túi xách Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 9,1 tỷ USD, hoàn thành và vượt mục tiêu 8 - 8,5 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Dự kiến năm 2013, khả năng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 9 - 9,5 tỷ USD, trong đó, ngành túi xách có bước tăng trưởng ngoạn mục do có sự chuyển dịch đơn hàng và đầu tư sản xuất mặt hàng va-li, túi, cặp từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thêm vào đó, sự ổn định chính trị - xã hội, lao động có tay nghề... đã giúp ngành da giày Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh để cạnh tranh thu hút đơn hàng xuất khẩu ngay trong giai đoạn suy thoái của kinh tế thế giới.
Vẫn làm gia công là chính
Năm 2013, dệt may, da giày tiếp tục là hai ngành trong tốp dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, chưa vội mừng bởi nếu phân tích kỹ cơ cấu xuất khẩu, có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của các DN trong nước không lớn, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu rơi vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn, 70% kim ngạch xuất khẩu ngành da giày và túi xách thuộc về các DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại, lại có mối quan hệ lâu dài với khách hàng cho nên các DN FDI này có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với DN trong nước.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex Vũ Đức Giang cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI cũng chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may. DN FDI có nhiều lợi thế về vốn, nhất là việc vay vốn đầu tư trung và dài hạn đều có lãi suất thấp. Trong khi đó, DN trong nước phải chịu lãi suất rất cao, có thời điểm lên tới 20%/năm. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến DN trong nước mất lợi thế cạnh tranh. Chưa kể, giữa DN FDI và DN trong nước có sự chênh lệch về chi phí tiền lương. DN trong nước trả lương cho người lao động theo thực tế, còn DN FDI trả lương theo mức lương tối thiểu. Bên cạnh đó, còn nhiều chi phí bắt buộc khác như công đoàn, bảo hiểm... DN trong nước phải trả, ngược lại, với DN FDI, không phải DN nào cũng nghiêm túc thực hiện. Điều này khiến giá thành sản phẩm của các DN trong nước thường cao, khó cạnh tranh được với DN FDI.
Năm 2013, mặc dù có nhiều đơn hàng xuất khẩu do nhiều nhà nhập khẩu tăng số lượng đặt hàng nhưng DN trong nước vẫn gặp vô vàn khó khăn. Ngoài khó khăn về vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, một loạt chi phí đầu vào tăng như giá điện, xăng, dầu, chi phí vận chuyển... đã khiến nhiều DN dệt may trong nước "đuối sức". Không chỉ vậy, các DN dệt may trong nước còn bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như bông, xơ; máy móc thiết bị lại chủ yếu nhập khẩu; trình độ quản lý, năng suất lao động còn thấp, thiếu sự kết nối trực tiếp với thị trường... càng làm cho năng lực cạnh tranh yếu. Theo lãnh đạo nhiều DN dệt may và da giày, chi phí tiền lương chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm cho nên việc tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động thực hiện từ ngày 1-1-2014 tới sẽ khiến chi phí tiền lương, bảo hiểm của DN tăng cao, thậm chí nếu không có biện pháp tiếp tục giảm mạnh chi phí đầu vào thì coi như DN không còn lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, cạnh tranh thành công với các DN FDI là không hề dễ dàng.
Năm 2013, dệt may và da giày đều là những ngành hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, kim ngạch xuất khẩu năm nay đều vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cho dù kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng tỷ USD nhưng phần lớn DN dệt may và da giày trong nước vẫn làm gia công là chính. Vì vậy hiệu quả xuất khẩu chưa cao.
Đây cũng là một trong những thách thức mà các DN dệt may và da giày đang phải đối mặt. Theo Phó Tổng Giám đốc Vinatex Hoàng Vệ Dũng, các DN cần tiếp tục sắp xếp sản xuất hợp lý để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tích cực chủ động tham gia vào chuỗi liên kết giữa các đơn vị trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng hàng dệt may Việt Nam. Cần cố gắng giảm tới mức thấp nhất gia công xuất khẩu (CM), chuyển dần sang làm hàng FOB (mua đứt bán đoạn), thậm chí là mạnh dạn làm các đơn hàng tự thiết kế (ODM), làm sản phẩm gắn thương hiệu của DN (OBM) để tăng thêm giá trị của sản phẩm, tăng lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh.
Những năm gần đây, nhiều DN trong nước đã từng bước chuyển dần sang phương thức sản xuất FOB như tại TCT Đầu tư Thái Bình, tỷ lệ làm hàng FOB đạt 100% là nhờ DN đã đầu tư bộ phận nghiên cứu và phát triển mẫu mã để làm mẫu chào hàng; bộ phận nghiên cứu để tối ưu hóa sản phẩm trong quá trình sản xuất, nhờ đó nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. TCT cũng đầu tư xây dựng trung tâm Logistics để hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, phục vụ kịp thời cho sản xuất, góp phần chủ động điều hành sản xuất, bảo đảm thực hiện đúng thời gian giao hàng. Với TCT May 10, là DN lớn với kim ngạch xuất khẩu tính cả nguyên phụ liệu đạt hơn 200 triệu USD, TCT đã từng bước nâng tỷ lệ làm hàng FOB lên 65%. Tương tự, TCT May Đức Giang tỷ lệ này là 70%, May Đồng Nai là 97%, Công ty Đồng Tiến chủ yếu làm hàng gia công xuất khẩu nhưng năm 2013, DN đã nâng tỷ lệ hàng FOB lên 22%, phấn đấu đạt tỷ lệ 40% vào năm 2014.
Giá trị gia tăng của sản phẩm chỉ có thể được nâng cao thông qua việc chuyển từ phương thức sản xuất gia công sang kinh doanh trực tiếp FOB, ODM hay OBM, góp phần giảm bớt chi phí trung gian, tăng hiệu quả kinh doanh cho DN.
Muốn làm được điều này, DN không chỉ có nguồn lực lớn về mặt tài chính để mở L/C mua nguyên phụ liệu, mà còn phải có một đội ngũ chuyên nghiệp từ khâu chào giá, đàm phán giá với khách đặt hàng đến tổ chức sản xuất. Việc triển khai các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương cũng như sắp tới Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký kết sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các DN trong nước. Vì vậy, ngay từ bây giờ DN trong nước cần nhanh chóng chuyển từ sản xuất gia công sang các phương thức sản xuất khác như FOB, ODM hay OBM. Có như vậy, DN mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu.
Theo Báo Nhân Dân
|