Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa ra kết quả điều tra sơ bộ lần thứ 8 đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam và áp mức thuế chống bán phá giá khá cao so với những lần trước
Ngày 26-3, bà Phạm Hương Giang - Phó trưởng Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp (DN) nước ngoài, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) - cho biết ngày 24-3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết quả sơ bộ của giai đoạn rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam lần thứ 8 (POR8) cho giai đoạn từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013.
Thuế suất toàn quốc lên đến 25,76%
Theo DOC, 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam có mức thuế suất sơ bộ là 4,98% và 9,75%, DN nhận thuế suất riêng rẽ 6,37% (khoảng 30 DN là bị đơn tự nguyện) và mức thuế suất toàn quốc là 25,76%.
Ngoài ra, bà Giang cũng thông tin thêm: Mức thuế sơ bộ có hiệu lực từ ngày 24-3 và mức thuế nêu trên chỉ là thuế suất tạm thời, duy trì cho đến khi DOC ban hành quyết định cuối cùng dự kiến vào tháng 9-2014. DOC sẽ công bố cách tính mức thuế sơ bộ cho các bên trong đợt rà soát này trong vòng 5 ngày, kể từ khi đưa ra quyết định trên Công báo liên bang (ngày 29-3). Các bên liên quan có thể gửi phản hồi, bình luận bằng văn bản trong vòng 30 ngày kể từ khi DOC thông báo kết luận sơ bộ và bình luận phản bác trong vòng 5 ngày sau đó.
Trước diễn biến trên, nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết đang gấp rút chuẩn bị tài liệu và nhân lực để phản hồi với phía Mỹ về việc áp thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh.
Mỹ muốn ngăn cản nguồn nhập khẩu
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, mức thuế sơ bộ của POR8 đã tăng đột ngột so với mức thuế cuối cùng của POR7 (0%) do DOC ban hành vào tháng 9-2013. “Mức thuế này cũng được coi là tương đối cao so với các đợt rà soát hành chính trước đây bởi trong 7 đợt rà soát trước đó, hầu hết thuế suất áp dụng cho bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều dưới 4,57%” - đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh nhận định.
Theo một lãnh đạo Hội Nghề cá, do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên khi điều tra để áp thuế, họ không điều tra giá thành thực của Việt Nam mà thông qua nước thứ 3 (trung gian) có nền sản xuất tương đồng. “Ngay khi kết thúc giai đoạn điều tra thứ 7 và Mỹ trả thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam về 0%, tôi đã cho rằng đó chưa hẳn là tín hiệu mừng vì nó chỉ mang tính tức thời nên tôi không bất ngờ về việc Mỹ áp thuế trở lại”- vị này nói.
Lý giải thêm về việc tôm Việt Nam đã từng được “minh oan” trong POR7, vị này cho biết thực chất thị trường Mỹ lúc đó “đói” tôm nên chúng ta được áp thuế suất bằng 0%. Hiện nay, sản phẩm tôm ở thị trường này dồi dào trở lại nên Mỹ muốn ngăn cản nguồn nhập khẩu cạnh tranh với hàng hóa trong nước.
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban Phát triển thủy sản bền vững - Hội Nghề cá, nhận định xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất định bởi Mỹ là thị trường lớn. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam đang rộng mở với khoảng 100 quốc gia.
Theo Người Lao Động