Tuy Việt Nam đã là quốc gia có tên tuổi trong bản đồ xuất khẩu thế giới đối với một số mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu, tôm, cá tra,... nhưng thực tế vấn đề xuất khẩu nông sản vẫn là một bài toán khó, đặc biệt khi chất lượng nông sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức ngày 30.7, đã chỉ ra nhiều vấn đề Việt Nam đang khúc mắc, trong xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng.
Khó khăn còn tồn tại
Báo cáo công bố 15 danh mục mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD và cần được khuyến khích tạo cơ chế ưu đãi: Sắn, cà phê, cao su, hồ tiêu, mây tre lá, gốm sứ, gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ, tôm, cá tra, cá ngừ, dệt may,… trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các sản phẩm có tiềm năng như: sắn, mây tre lá và đồ gỗ mỹ nghệ…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu như: giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp; lợi thế về chi phí nhân công không bền vững; phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém làm ảnh hưởng nhiều đến các ngành xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Các mặt hàng như gạo, mía đường, rau quả, lâm sản,… có tiềm năng xuất khẩu trung bình, yếu mặc dù có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển. Đây vẫn là những mặt hàng nằm chưa khai thác được thế mạnh, giá trị gia tăng không cao và gạo chủ yếu phục vụ an ninh lương thực.
Quy hoạch trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác nông, lâm, thuỷ sản yếu kém dẫn đến mất cân đối về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Thiếu nguyên liệu đầu vào trở nên phổ biến đối với chế biến thuỷ sản khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, chưa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ dẫn đến giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu còn thấp. Phần lớn các mặt hàng nông sản và thuỷ sản Việt Nam chưa có thương hiệu, xuất khẩu chủ yếu qua các bên trung gian, khiến giá trị xuất khẩu còn thấp, các doanh nghiệp bị lệ thuộc nhiều, chưa chủ động được trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Nhiều nhà máy chế biến nông sản vẫn chưa tiếp cận trực tiếp với lưới điện quốc gia và hệ thống nước; hệ thống hạ tầng vận tải kém phát triển ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động xuất khẩu.
Vấn đề thiếu thông tin thị trường cũng là vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Đặc biệt, liên kết trong chuỗi và liên kết ngang trong ngành đa phần còn rất yếu; công nghệ sản xuất, chế biến đối với hàng xuất khẩu và quản lý, tiếp thị đối với dịch vụ xuất khẩu còn lạc hậu dẫn đến chất lượng hàng hoá và dịch vụ thấp.
Giải pháp cho xuất khẩu
Báo cáo cũng nêu ra một số khuyến nghị chính với xuất khẩu Việt Nam như xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành, xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu riêng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật công nghệ, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu…
Ngoài việc đánh giá tiềm năng xuất khẩu của năm lĩnh vực và chỉ ra những ngành hàng dịch vụ Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới, Báo cáo đồng thời cũng gợi mở những vấn đề Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện nhằm nâng cao tiềm năng xuất khẩu. Thứ nhất, cần có nghiên cứu cụ thể về thể chế chính sách liên quan đến sản xuất, cung cấp các hàng hoá, dịch vụ có tiềm năng cao do báo cáo này đã nêu, đồng thời xem xét về cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại hiện nay để xác định những điểm yếu cần điều chỉnh. Thứ hai, trên cơ sở những thông tin về tiềm năng xuất khẩu và nghiên cứu thể chế, tiến hành xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho từng vùng.
Theo Báo Lao Động.