|
Giai đoạn 2011-2020, có tới 19.837 quy hoạch các loại với kinh phí để lập ra nó lên tới 9.647 tỷ đồng. Chưa kể hàng nghìn quy hoạch thời kỳ trước 2011 thiếu hiệu quả. Vấn đề được đưa ra tại Hội thảo về dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 29/8 tại Đà Nẵng.
Theo ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT), có 3 tồn tại cơ bản trong công tác quy hoạch hiện nay. Đó là: Lập quá nhiều quy hoạch nhưng không đồng bộ thiếu thống nhất; chất lượng và hiệu lực của quy hoạch quá thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng dẫn tới quy hoạch kém hiệu quả, không khả thi. Cuối cùng là việc tổ chức thiết lập và thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, thiếu kịp thời. Có những dự án đòi hỏi đầu tư quá lớn, không cân đối với khả năng đầu tư hiện có.
“Rất nhiều quy hoạch mâu thuẫn với nhau, nhiều nhất là quy hoạch ngành cả nước đã quy hoạch cấp tỉnh. Cụ thể như quy hoạch sân golf Việt Nam đến 2020 (Thủ tướng CP phê duyệt 2009), vùng ĐBSCL sẽ xây 4 sân, diện tích 461 ha tại 3 tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang và Long An. Nhưng tại Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến 2030 (phê duyệt năm 2010) lại dành 244 ha xây sân golf. Như vậy là quá mâu thuẫn” - ông Đinh Thanh Tâm - Vụ phó Vụ quy hoạch cho biết.
Một mâu thuẫn nữa, theo ông Tâm, đó là quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2020 (phê duyệt 2009), công suất cảng TPHCM đạt 89 triệu tấn/năm vào 2020. Trong khi đó, theo quy hoạch điều chỉnh xây dựng TPHCM (phê duyệt 2010), con số lại được nâng lên 200 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Một sự chênh lệch quá lớn.
“Quy hoạch ở Việt Nam hiện nay chỉ “ngồi vẽ là chủ yếu”. Nhưng nguy hại là vẽ mà không theo thực tiễn. Lúc nào quy hoạch Việt Nam cũng đi sau thực tiễn”.
TS Phạm Sỹ Liêm Theo Bộ KH&ĐT, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các dự án theo quy hoạch 2011-2020 là khoảng 295-305 tỷ USD (con số thực tế khoảng 385-395 tỷ USD).
Tuy nhiên, vấn đề là nguồn lực ở đâu? Bộ KH&ĐT ước tính, tỷ lệ đầu tư phát triển hạ tầng chỉ nằm ở khoảng 210-215 tỷ USD, mới chỉ đáp ứng được 50% vốn, vẫn còn thiếu khoảng 200 tỷ USD.
Theo TS Phạm Sĩ Liêm - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, quy hoạch ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là “ông nào biết ông đó”. “Cảng biển chỉ chú ý đến biển, hàng không chỉ chú ý đến hàng không. Ở các nước, khi quy hoạch cảng biển, người ta chú ý đến giao thông đường bộ. Đường nào vào cảng, lộ trình thế nào, mất bao lâu, rồi có cả đường sắt vào cảng với hàng hóa lớn. Chúng ta thì không”.
Một ví dụ rất cụ thể, đó là Quy hoạch cảng biển đến 2010 (được phê duyệt 1999), đưa ra dự báo hàng hóa thông qua hệ thống cảng năm 2010 khoảng 200 triệu tấn. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Hàng hải, lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2009 đã là 214,08 triệu tấn; năm 2010 đạt 259 triệu tấn, vượt 30% dự báo.
“Cần phải có một tầm nhìn chiến lược, phải rà soát lại quy hoạch hiện nay, đặc biệt các quy hoạch cấp tỉnh, ngành đang chồng chéo nhau. Ở cấp quốc gia, dồn sức tiến hành lập quy hoạch tổng thể đến 2030, tầm nhìn 2050” - TS Phạm Sĩ Liêm kết luận.
Theo Tiền Phong.
|