Mặc dù có lợi thế về địa lý, giá cước vận tải rẻ… nhưng vận tải thủy nội địa đồng bằng sông Hồng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Bất cập về hạ tầng
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) thống kê, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2000 - 2013 đạt gần 1,7 tỷ tấn, chiếm 70% khối lượng vận tải chung của cả nước. Còn vận tải thủy nội địa của vùng chỉ đảm nhận được khoảng từ 15 - 17% khối lượng vận tải.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên báo Tin Tức, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải thủy Việt Nam Nguyễn Thủy Nguyên lý giải: Vận tải đường thủy nội nội địa đồng bằng sông Hồng hiện được đầu tư quá ít so với các phương thức vận tải khác. Đơn cử, nhiều tuyến quốc lộ hiện nay, giá đầu tư có thể lên đến 500 tỷ đồng/km đường, nhưng nạo vét 1 km đường sông chỉ có vài tỷ đồng…
Thêm vào đó, đường thủy nội địa vùng không “chia lửa” được cho đường bộ, đường sắt hiện nay vì chưa có sự liên kết, hạ tầng gắn kết vận chuyển hàng hóa từ cảng sông đến đường sắt, đường bộ, đường biển. Thực tế, vận tải thủy nội địa hiện nay rẻ hơn đường bộ rất nhiều, nhưng khi bốc xếp, dỡ hàng hóa, chủ hàng phải chi phí cho quãng đường vận chuyển từ cảng thủy nội địa đến kho hàng, khiến chi phí phát sinh đội lên rất nhiều, nên giá rẻ lại hóa đắt…
Qua tìm hiểu, việc trung chuyển bằng đường sắt với đường thủy nội địa tại cảng nội địa Ninh Bình và Việt Trì đang có nhiều vướng mắc. Cảng Ninh Bình có 3 nhánh đường sắt phục vụ xếp dỡ, thì hiện chỉ sử dụng được 1 đường, 2 đường kia bị hỏng. Nếu khối lượng trung chuyển hàng hóa tăng sẽ khó khăn cho việc dồn lịch lập tàu và xếp dỡ hàng hóa. Còn tại cảng Việt Trì, hiện tại hàng hóa xếp từ cảng lên toa xe, ngoài cước phí xếp dỡ, cảng còn thu thêm một số phụ phí, khiến nhiều chủ hàng chọn giải pháp chở bằng ô tô ra thẳng ga để xếp lên toa xe…
Tuyến đường thủy nội địa Hà Nội - Việt Trì nhiều năm nay, cứ mùa nước cạn là không đi được. Mặc dù giá cước vận tải thủy trên tuyến so với đường bộ rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 145.000 đồng so với khoảng 260.000 đồng/tấn hàng, nhưng hạ tầng, khả năng kết nối các phương thức vận tải khác không đồng bộ đã làm hạn chế lợi thế vận tải thủy nội địa vùng.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Cừu cho biết: “Điểm nghẽn của vận tải thủy nội địa vùng hiện nay chính là những bất cập về hạ tầng. Cảng bến phân tán và không đồng bộ. Các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính hạn chế, phương tiện lạc hậu… Bên cạnh đó, thiếu sự điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước, nên vận tải thủy khó tiếp cận với các mặt hàng siêu trường, siêu trọng để chuyên chở. Vì vậy, vận tải thủy vùng liên tục giảm từ năm 2008 - 2014”.
Tháo gỡ từ nhận thức
Các chuyên gia giao thông cho rằng, lâu nay ngành GTVT đầu tư “lệch”, chủ yếu cho vận tải đường bộ. Vì vậy, vướng mắc ở chính nhận thức của lãnh đạo các địa phương và cơ quan quản lý.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng: Cần sớm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, đổi mới phương tiện, công nghệ, ưu tiên phát triển vận tải hàng hóa container và dịch vụ logistics để điều tiết các phương thức vận tải. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các đầu mối gom, phân phối hàng hóa kết nối vận tải đường bộ với vận tải đường thủy nội địa trong vùng.
Rõ ràng, vận tải thủy nội địa của vùng hiện nay mới dừng lại ở những hàng hóa vật liệu xây dựng khối lượng lớn (bột đá, xi măng, than cám, cát, gạch, sắt thép, cọc bê tông…), mà chưa khai thác được các mặt hàng tiêu dùng, hàng container là hạn chế lớn. Do đó, việc thu hút nhiều thành phần kinh tế vào đầu tư, phát triển hệ thống vận tải thủy nội địa để sau đó phục vụ lợi ích cho chính các doanh nghiệp sẽ góp phần phát huy lợi thế loại hình vận tải này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Để tránh đầu tư lệch cho đường bộ, Bộ GTVT sẽ sớm ban hành các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa và cảng. Tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư cảng, đầu tư phương tiện thủy nội địa, tạo điều kiện để đường thủy nội địa giảm tải cho đường bộ.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2014, Bộ GTVT sẽ xử lý các vấn đề chưa rõ ràng giữa đường thủy nội địa và hàng hải, nhằm tránh chồng chéo trong quản lý, đầu tư và khởi công các dự án nạo vét luồng tuyến, đóng tàu sông đã được quy hoạch… Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, Bộ GTVT sẽ tổ chức các hội thảo tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo liên kết giữa chủ hàng với các doanh nghiệp, tạo nguồn nhân lực cho vận tải thủy... để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức.
Theo Tin tức.
|