Hiện cả nước có khoảng 1.200 DN logistics, trong đó có đến 80% là DN vừa và nhỏ, với số vốn đăng ký bình quân chỉ khoảng 8 tỷ đồng, các DN có vốn nhà nước (chiếm khoảng 20%) có quy mô khá lớn, với vốn điều lệ trung bình đạt trên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 2% nhưng thị phần cung cấp dịch vụ của họ lên tới 80%.
Theo ông Nguyễn Tương - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nguyên nhân chính là do hầu hết các DN trong nước chưa có đại lý ở nước ngoài nên hoạt động cung cấp dịch vụ còn manh mún, phân tán và kém hiệu quả, lại chưa có khả năng cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cao nên khả năng cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các DN nước ngoài. DN hoạt động xuất, nhập khẩu phải chi trả cho hoạt động logistics tại Việt Nam cao hơn 1 - 1,5 lần so với các nước trong khu vực.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Để DN logistics trong nước không bị thua trên sân nhà, nhà nước cần sớm đưa ra định hướng, chiến lược phát triển dịch vụ này. Các DN cũng cần phải tăng sức cạnh tranh, cung cấp dịch vụ logistics với chất lượng cao và chi phí thấp; tăng cường liên kết với nhau để tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng. |
Nâng cao tính liên kết
Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển dịch vụ logistics là yếu tố then chốt để thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa. Với vai trò vị thế của thủ đô, Hà Nội cần phải vươn lên trở thành một trung tâm logistics của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước trong việc sớm đưa ra định hướng, chiến lược phát triển dịch vụ, nhằm tránh để mất thị phần vào tay DN nước ngoài.
Theo ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lý do để mất thị phần logistics vào tay DN nước ngoài là do DN trong nước quy mô nhỏ và phạm vi dịch vụ của các trung tâm logistics hầu hết dưới 10 ha, chủ yếu phục vụ DN trong khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế. Phần lớn các trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ nên đã hạn chế việc thực hiện những chức năng cơ bản của một trung tâm logistics. Các trung tâm logistics Việt Nam còn thiếu nhiều dịch vụ đặc thù để tạo ra giá trị gia tăng cao cho khách hàng sử dụng. Về nhân lực, lao động trong ngành này chưa được đào tạo bài bản cũng là một rào cản không nhỏ đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics...
Theo báo Công thương.