|
Tại Hội nghị Phổ biến Luật Đầu tư công và xây dựng kế hoạch đầu tư 2016 - 2020 do Bộ GTVT tổ chức hôm qua (25/9), Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo trong giai đoạn 2016-2020 phải kết nối, xây dựng đường cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Cảng Hàng không Long Thành...
Vốn “khủng” chảy vào giao thông
Tại Hội nghị Phổ biến Luật Đầu tư công và xây dựng kế hoạch đầu tư 2016 - 2020, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2011 - 2014 là quãng thời gian ngành GTVT triển khai mạnh mẽ và huy động hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Tổng số vốn kế hoạch Bộ GTVT được giao quản lý lên tới hơn 120 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, vốn Trái phiếu Chính phủ giao hơn 77 nghìn tỷ đồng và vốn ngân sách Nhà nước hơn 44 nghìn tỷ đồng. Đáng nói là gần như tất cả các nguồn vốn này đều giải ngân đạt và vượt xa kế hoạch.
Bên cạnh sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ngành GTVT đã huy động được gần 150 nghìn tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giao thông. Nhờ vậy, nhiều công trình giao thông được đẩy nhanh tiến độ, chất lượng được nâng cao so với trước đây, công tác triển khai các dự án cũng được tiến hành một cách đồng bộ”.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội |
Không chỉ trông chờ vào các nguồn vốn từ ngân sách, những năm qua, ngành GTVT còn chủ động kêu gọi và huy động được một lượng vốn khổng lồ từ xã hội hóa. Ông Hoằng cho biết, tính đến nay, Bộ GTVT đã thu hút được gần 150 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 62 dự án phát triển hạ tầng đường bộ, hàng hải, hàng không...
Đáng kể nhất là từ năm 2013 đến nay, dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Bộ GTVT đã thu hút gần 110 nghìn tỷ đồng cho 41 dự án, gấp 2,6 lần nguồn vốn ngoài ngân sách mà ngành đã huy động từ năm 2012 trở về trước.
“Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, hàng loạt dự án giao thông phải đình hoãn, giãn tiến độ do thiếu hụt nguồn vốn. Tuy nhiên, thời gian qua ngành GTVT đã chuyển đổi thành công nhiều dự án dùng vốn ngân sách sang hình thức BOT, PPP. Điều này không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, còn thúc đẩy tiến độ các dự án, tạo hiệu quả trong đầu tư”, ông Hoằng nói.
Đầu tư hợp lý, tiết giảm gần 40 nghìn tỷ đồng
Lý giải việc giải ngân hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách và thu hút được một lượng vốn lớn từ xã hội hóa, ông Hoằng cho biết, công tác quản lý vốn đầu tư được Bộ GTVT triển khai rất chặt chẽ, quyết liệt. Trong hai năm 2012-2013, Bộ GTVT đã kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch, lập danh mục các dự án tạm dừng, giãn tiến độ, tập trung bố trí vốn để trả nợ khối lượng hoàn thành, cho đối ứng các dự án ODA. Phần vốn còn lại bố trí ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm kế hoạch để sớm đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.
Ngành GTVT cũng triệt để hạn chế khởi công mới các dự án từ nguồn ngân sách. Nhờ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư các hạng mục công trình hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... Bộ GTVT đã tiết giảm được 39.365 tỷ đồng trong công tác quản lý thực hiện đầu tư.
|
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng được triển khai bằng vốn ODA Hàn Quốc - Ảnh: Lê Hiếu |
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo Bộ đến các cơ quan chức năng phải vào cuộc và đặt mục tiêu huy động nguồn lực lên trên hết. Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tạo điều kiện tối đa về thủ tục, cơ chế thông thoáng nhất. Ngay trong nhận thức cũng phải thay đổi, mình phải phục vụ các nhà đầu tư chứ không phải nhà đầu tư phục vụ mình.
Bộ GTVT cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các quốc gia, thị trường có tiềm năng như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đức... “Những hoạt động này đã giúp các nhà tài trợ, tài chính và đầu tư nước ngoài hiểu rõ về nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như các chính sách khuyến khích và đảm bảo môi trường đầu tư của Việt Nam với mục tiêu không những thu hút về vốn mà còn cả chuyển giao công nghệ”, ông Hoằng cho biết.
Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thực hiện hiệu quả đồng vốn, Bộ GTVT đã siết chặt quản lý các ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các chủ thể tham gia trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Tất cả các sai phạm đều bị xử nghiêm. Trong đó phải kể tới hơn 30 nhà thầu xây lắp, tư vấn đã bị thay thế trong thời gian qua. Bên cạnh đó ba ban QLDA đã bị cảnh cáo, bốn Tổng giám đốc của bốn ban QLDA bị thay thế.
Xây dựng kế hoạch phải gắn với tái cơ cấu ngành
Liên quan đến định hướng các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT nghiên cứu kỹ để có sự so sánh giữa những điểm của Luật Đầu tư công hiện hành với những điểm mới trong Luật Đầu tư công mà Quốc hội vừa thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2015.
“Các điều kiện cụ thể như thế nào, cái gì chưa rõ phải hỏi, điểm nào bất cập cần đề xuất kiến nghị ngay. Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp nghiên cứu, chậm nhất là trong tháng 10 phải có báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi lập kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, về thể chế chính sách phải tạo được sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những luật nào cần sửa, nghị định nào cần thay thế phải đề xuất ngay. “Xây dựng kế hoạch phải gắn với tái cơ cấu ngành, bao gồm tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa và bán tất cả doanh nghiệp để tư nhân quản lý, bán hạ tầng cho doanh nghiệp quản lý”, Bộ trưởng khẳng định.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020 với những dự án trọng điểm, Bộ trưởng yêu cầu phải kết nối, xây dựng đường cao tốc Hà Nội - TP HCM, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang. Hàng không cần phải triển khai đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Long Thành cũng như mở rộng một số cảng hàng không.
Theo Giao thông vận tải.
|