Hàng loạt chính sách thuế áp dụng cho năm 2015 đã được Chính phủ gấp rút xây dựng và sẵn sàng trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 diễn ra từ tuần này. Nhiều mục tiêu đề ra khi các dự thảo được nêu lên, song, dư luận đang trông chờ nhiều vào khía cạnh tạo thuận lợi cho người nộp thuế bên cạnh việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Số liệu thống kê của 9 tháng qua với 7.027 DN giải thể; 8.440 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 32.863 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký đã phần nào phản ánh những khó khăn của cộng đồng DN.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư về thuế; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 5 Nghị định nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm hơn 50% số giờ kê khai, nộp thuế.
Bên cạnh đó, để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới, thực hiện những chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho DN Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, hải quan, Bộ Tài chính nhận thấy cần có thêm những chính sách thuế để hỗ trợ DN và người lao động. Xuất phát từ mục tiêu này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế đã được xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ, sẵn sàng trình Quốc hội. Dự án Luật sửa đổi các luật thuế gồm 17 điểm chính với những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu là các chính sách dài hạn, điều chỉnh nội dung của nhiều Luật thuế như: Luật Thuế TNDN, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Thuế TNCN, Luật Quản lý thuế...
Về thuế TNDN, trong dự thảo, Chính phủ đề nghị ưu đãi thuế TNDN 20% vào năm 2014, 2015, và 17% từ năm 2016 đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, chính sách ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo đối với DN công nghiệp hỗ trợ và dự án đầu tư quy mô từ 12.000 tỷ đồng trở lên cũng được nêu ra. Để khuyến khích DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có thu nhập chuyển về nước, Chính phủ đề xuất không thu thuế TNDN đối với phần thu nhập này.
Một quy định được dư luận quan tâm trong lần sửa đổi này là mức khống chế chi quảng cáo, tiếp thị. Chính phủ đề xuất hai phương án, một là bỏ mức khống chế với các khoản chi này và hai là chỉ khống chế 15% với chi phí quảng cáo và không khống chế các chi phí tiếp thị, môi giới…
Về thuế TNCN, Chính phủ đề nghị miễn thuế với thuyền viên, chủ tàu và cá nhân có thu nhập trúng thưởng trong casino, đồng thời, cho phép cá nhân chuyển nhượng bất động sản được lựa chọn tính thuế 25% trên thu nhập hoặc 2% trên giá bán; cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn tính thuế 20% trên thu nhập năm hoặc nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng.
Mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp được đề nghị không chịu thuế GTGT, thay vì mức 5% hiện nay. Hàng hoá để tạo tài sản cố định của dự án sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi và xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và tàu đóng mới, hoặc nâng cấp để khai thác thủy sản xa bờ được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào.
Đặc biệt, để cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ trình Quốc hội cho thực hiện bỏ Bảng kê hóa đơn hàng hóa mua vào, bán ra trong Hồ sơ khai thuế; cho phép quy đổi tỷ giá tính thuế và nộp ngân sách theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh; quy định cụ thể việc người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có…
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các DN, Chính phủ đề nghị xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của DN gặp khó khăn khách quan (đối tác phá sản, lãi suất cao…) và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014.
Chính phủ cũng đề nghị bỏ quy định thu thuế môn bài, không thu thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông, lâm, ngư nghiệp.
Theo tính toán, khi thực hiện dự án Luật này, tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, DN năm 2015 ước tính khoảng 5.600 - 5.700 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, việc giảm thu này chỉ xảy ra trong những năm đầu và sẽ tăng trong trung và dài hạn.
Để bù đắp các tác động đến thu NSNN cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, năm 2015, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế và chống chuyển giá; tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và tổ chức thực hiện thu đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của “Luật khoáng sản”, nhất là đối với những mỏ đã và đang hoạt động (khoảng 1.300 tỷ đồng/năm). Đồng thời sẽ điều chỉnh giá bán khí theo giá thị trường để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Bù hụt từ gián thu
Cùng với dự án Luật nói trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB cũng được đánh giá sẽ có nhiều tác động đến kinh tế- xã hội nếu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2015.
Theo nội dung trình của Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ‐ xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý. Những chính sách điều tiết này phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, góp phần định hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh và công bằng hơn. Thuế TTĐB cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế; góp phần ổn định và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Xuất phát từ tình hình thực hiện và yêu cầu phát triển kinh tế ‐ xã hội của đất nước trong thời gian tới, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB sẽ tập trung 7 vấn đề lớn. Về thuế suất, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình (từ 65% lên 70% từ 1‐1‐2016, lên 75% từ 1‐1‐2019); điều chỉnh tăng thuế suất đối với mặt hàng bia theo lộ trình (từ 1‐7‐2015 tăng từ 50% lên 55%, từ 1‐1‐2017 lên 60%, từ 1‐1‐2018 lên 65%); điều chỉnh tăng thuế suất từ 50% lên 65% đối với rượu từ 20 độ trở lên, tăng từ 25% lên 35% đối với rượu dưới 20 độ. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến bỏ quy định thu thuế TTĐB đối với nap‐ta (bao gồm cả con‐đen‐ sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng (hiện tại mức thuế suất 10%), áp dụng thuế suất ưu đãi với xăng sinh học; bổ sung quy định làm rõ đối tượng không chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng tàu bay phục vụ an ninh, quốc pḥòng; bổ sung quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; bổ sung trò chơi trực tuyến vào đối tượng chịu thuế với thuế suất 10%.
Tác động của những thay đổi này trước hết sẽ bù đắp phần nào cho số “thiệt hại” ngắn hạn cho ngân sách từ việc sửa 5 luật thuế nêu trên. Theo ước tính của cơ quan soạn thảo, ngân sách năm 2015 sẽ tăng thêm khoảng 896 tỷ đồng, năm 2016 tăng thêm khoảng 3.598 tỷ đồng, năm 2017 tăng thêm khoảng 5.341 tỷ đồng, năm 2018 tăng thêm khoảng 7.525 tỷ đồng, năm 2019 tăng thêm khoảng 10.566 tỷ đồng. Với xu hướng cải cách chung của quốc tế là tăng cường vai trò của thuế tiêu dùng như thuế GTGT, thuế TTĐB, đồng thời từng bước giảm dần thuế suất thuế thu nhập để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, khuyến khích lao động, việc sửa đổi này sẽ phát huy vai trò bảo đảm công bằng xã hội của công cụ thuế.
Theo Báo Hải quan