TGĐ của Vinalines cho biết, do còn vướng mắc những quy định từ phía ngân hàng về đầu tư ngoài ngành nên việc Vietinbank mua cổ phần chiến lược tại Cảng Hải Phòng đã phải tạm dừng lại để xin ý kiến Ngân hàng nhà nước.
Suốt mấy năm nay, ngành vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đối với Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines, vấn đề không chỉ ở những khó khăn chung đó, mà vấn đề lớn của Tổng công ty này nằm ở cơ chế vận hành. Vì vậy, việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên được Vinalines đánh giá là cách thức quan trọng để vực dậy hoạt động của mình.
Theo Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinalines sẽ cổ phần hóa 12 doanh nghiệp thành viên và cổ phần hóa Công ty mẹ.
Vào hồi giữa năm 2014, Vinalines cho biết đến cuối năm sẽ chào bán ra công chúng (IPO) các đơn vị kinh doanh cảng là cảng Cam Ranh, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ, Năm Căn, và hoàn thành phương án cổ phần hóa cho cảng Sài Gòn. Đến thời điểm hiện nay, Tổng công ty đã tổ chức IPO đối với 5 doanh nghiệp là các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Công ty Vinalines Nha Trang.
Về phần bán cổ phần cho đối tác chiến lược, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Sơn - Tổng giám đốc Vinalines cho biết “tình hình rất sáng sủa” khi có nhiều nhà đầu tư tiếp cận và muốn mua cổ phần của 5 Công ty cảng biển này.
“Các nhà đầu tư đăng ký mua với tỷ lệ rất lớn. Có nhà đầu tư đăng ký mua tới 90% cổ phần Cảng Đà Nẵng, 100% cổ phần cảng Quảng Ninh, 49% cổ phần Cảng Hải Phòng. Nhưng hiện tại chúng tôi đang trong quá trình đàm phán nên chưa thể tiết lộ thông tin” - Ông Lê Anh Sơn nói.
Nói riêng về Cảng Hải Phòng, vào tháng 4/2014, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã đề nghị Vinalines trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt để ngân hàng này trở thành cổ đông chiến lược tại các cảng thành viên của Vinalines khi thực hiện cổ phần hóa, trước tiên áp dụng với Cảng Hải Phòng, thông qua phương thức chuyển các khoản nợ vay của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần với tỷ lệ tham gia sở hữu cổ phần cao nhất khi các cảng thực hiện IPO.
Tức là, đối với Cảng Hải Phòng, Vietinbank muốn mua 10,26% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược.
Ông Sơn cho biết, do còn vướng mắc những quy định từ phía ngân hàng về đầu tư ngoài ngành nên việc Vietinbank mua cổ phần chiến lược tại Cảng Hải Phòng đã phải tạm dừng lại để xin ý kiến Ngân hàng nhà nước.
Tổng giám đốc của Vinalines cũng cho biết thêm, các hãng tàu lớn của nước ngoài chưa thể hiện sự quan tâm đối với việc trở thành cổ đông chiến lược tại các công ty Cảng này.
“Ví dụ như hãng Maesk hiện đang liên doanh với Vinalines tại một cảng lớn ở Vũng Tàu. Họ cũng chỉ tập trung và quan tâm đến các cảng lớn, cảng nước sâu chứ không quan tâm cảng nhỏ.”
Theo Infonet