Thông tin từ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị đầu tư Tân Cảng – Hiệp Phước) cho biết, hiện tại dự án đã hoàn thành xong giai đoạn 1 với 12 héc ta bãi container, 300 mét cầu tàu, 250 mét bến xà lan, với trang thiết bị hiện đại có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn cập cảng.
Đại diện của Tân cảng Sài Gòn cho biết, hôm 20-11 cảng đã bắt đầu tiếp nhận các chuyến hàng chở bằng xà lan. Dự kiến trước ngày 15- 12 cảng sẽ chính thức đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng.
Dự án cảng Tân Cảng - Hiệp Phước có chiều dài cầu cảng là 420 mét, tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 tấn; 4 bến trung chuyển tàu, xà lan có trọng tải 2.000 tấn; gần 150.000 mét vuông bãi chứa hàng và đường giao thông nội bộ; 8.580 mét vuông kho chứa hàng; 6.010 mét vuông các công trình phụ trợ.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, cảng tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 6-2015.
Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước có lợi thế là nằm gần cửa Soài Rạp hướng ra biển Đông, có vị trí thuận lợi để phát triển thành cảng trung chuyển trong tương lai vì gần biển, mớn nước sâu 12 mét, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.
Tân Cảng – Hiệp Phước sẽ là điểm thông quan hàng hóa cho khu vực phía Nam và phía Tây của TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL và góp phần giảm tải lượng hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Các hãng tàu giao hàng tại Tân Cảng - Hiệp Phước khi đi qua luồng Soài Rạp cũng sẽ rút ngắn gần 30 km và tiết kiệm 2 giờ so với việc đi qua luồng Lòng Tàu hiện nay. Qua đó, doanh nghiệp và các hãng tàu giảm được một nửa chi phí hoa tiêu, nhiên liệu so với hành trình theo luồng Lòng Tàu.
Theo tính toán của các hãng tàu, một tàu 50.000 tấn lưu thông qua luồng Soài Rạp có thể tiết kiệm được hơn 500.000 đô la Mỹ mỗi năm so với trước đây đi qua luồng Lòng Tàu.
Theo quy hoạch khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ có 3 cảng lớn là SPCT, Sài Gòn - Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước. Trong đó, mới có cảng SPCT là đã hoàn thành. Hai cảng còn lại mới hoàn thành giai đoạn 1 và đang trong quá trình xây dựng giai đoạn 2.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.