Chưa năm nào làn sóng giảm giá vé tàu hỏa và cước vận tải hàng hóa bằng đường sắt lại mạnh như năm nay. Đáng nói hơn, khách hàng được hưởng lợi nhiều từ chính sách này, nhưng doanh thu của ngành Đường sắt không vì thế mà sụt giảm.
Mua vé trước một tháng, giá giảm tới 30%
Trong năm 2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện nhiều đợt giảm giá vé và khuyến mãi trên các tuyến đường sắt. Đầu tiên phải kể đến việc VNR quyết định giảm giá vé tất cả các tàu Thống Nhất và áp dụng chương trình giảm giá đặc biệt đối với khách mua vé trước 30 ngày trở lên.
Cụ thể, hành khách mua vé các tàu Thống Nhất từ ngày 5/8 đến hết ngày 28/8/2014 được giảm 30% so với giá vé trước đó. Để mua được loại vé này, hành khách phải mua trước 30 ngày trở lên và chỉ áp dụng cho chặng có cự ly từ ga đi đến ga đến từ 1.300 km trở lên. Trong thời gian này, giá vé tàu Thống Nhất tuyến Hà Nội - Sài Gòn (Tàu SE 1), loại giường nằm tầng 1 điều hòa chỉ còn khoảng 1,3 triệu đồng. Loại vé ghế ngồi cứng chỉ còn khoảng 600 nghìn đồng.
“Đây là mức giá khá phù hợp, nhất là trong dịp hè khi lượng hành khách tăng cao”, anh Nguyễn Quang Hưng, một hành khách đi tàu SE5 nói.
Cuối năm 2014, VNR tiếp tục thông báo các đợt giảm giá cước vận chuyển hàng trên đường sắt. Cụ thể từ ngày 5/12/2014, giảm thêm 10% đối với mặt hàng container vận chuyển từ Ga Văn Phú đến Ga Hải Phòng. Giảm 10% đối với mặt hàng urê vận chuyển từ Ga Bắc Giang. Giảm thêm 10% giá cước thu trọn gói đối với tàu hàng chuyên tuyến chở container Hải Phòng - Lào Cai... |
Anh Nguyễn Mạnh Hoàn, hành khách mua vé tại ga Hà Nội cho biết, gia đình anh năm nào cũng đi tàu từ Hà Nội về Quảng Ngãi vào dịp nghỉ hè và lễ, Tết. Những năm trước, giá vé cao nên thường chỉ dám mua một vé giường nằm cho vợ và con gái nhỏ. Bản thân anh và con trai lớn mua vé ghế ngồi để tiết kiệm chi phí. “Khi nghe tin đường sắt giảm giá vé tàu, chúng tôi mừng lắm. Tính ra cả gia đình có thể tiết kiệm khoảng gần 1 triệu đồng vé tàu hai chiều đi về cũng đáng quý lắm”, anh Hoàn nói.
Mới đây nhất, VNR đã quyết định giảm 10% giá vé tàu khách trong thời gian từ 1/1 đến 1/2/2015. Mức giảm này được so với thời điểm giá vé cuối tháng 10/2014. Tính ra, giá vé cao nhất trong thời điểm này chỉ khoảng gần 1,8 triệu đồng và thấp nhất là loại ghế ngồi cứng chỉ còn gần 750 nghìn đồng tuyến Bắc - Nam.
Thực tế cho thấy, những lần giảm giá vừa qua đã thu hút một lượng khách đáng kể đi tàu trong những dịp không phải cao điểm. Từ đó, sản lượng và doanh thu vận tải khách trên đường sắt vẫn tăng nhờ tần suất sử dụng chỗ trên mỗi đoàn tàu tăng lên. Theo thống kê của VNR trong năm 2014, sản lượng tăng 5,5%, doanh thu tăng 11% so với năm 2013. Đây chính là minh chứng cho hiệu quả của việc linh hoạt trong việc tăng giảm giá vé của VNR để thu hút khách hàng.
Mong giảm tiếp cước vận tải hàng tuyến ngắn
Ông Ngô Văn Tình, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành đóng tại Bắc Ninh cho biết, công ty có nhu cầu vận chuyển khoảng hơn 600 nghìn m3 đá cho một dự án làm đường. Tuy nhiên, với giá cước đường sắt hiện nay vẫn cao hơn đường bộ khoảng 20% nếu như cự ly vận chuyển dưới 200 km, mặc dù đã được giảm giá cước theo quy định của VNR.
“Thực tế, giá cước vận chuyển trên đường sắt bằng với đường bộ, còn mức cao hơn 20% do chi phí bốc dỡ và vận chuyển hai đầu. Chúng tôi rất mong ngành Đường sắt chia sẻ giảm tiếp giá cước. Như vậy sẽ thu hút được hàng hóa tăng chuyên chở trên đường sắt và san sẻ được gánh nặng cho đường bộ. Chúng tôi đã có công văn thương thảo với phía đường sắt”, ông Tình nói.
Mong muốn của ông Tình cũng là mong muốn của nhiều khách hàng có nhu cầu vận tải trên đường sắt. Ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng cũng cho biết, cuối tháng 12 vừa qua, VNR đã có văn bản giảm giá cước vận tải hàng hóa trên một số khu đoạn đường sắt nên đã thu hút được một số lượng lớn khách hàng. “Tuy nhiên với những tuyến ngắn, nhiều khách hàng có nhu cầu vận chuyển lớn cả nghìn tấn hàng vẫn mong muốn được giảm giá tiếp để cạnh tranh hơn nữa với đường bộ. Chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên để xem xét quyết định”, ông Thương nói.
Thực tế, với những cự ly vận chuyển dưới 200 km, ngành Đường sắt có quy định giá cước cao hơn các cự ly dài. Trong khi đó tại một số tuyến phía Bắc, thường khách hàng vận chuyển cự ly ngắn với số lượng lớn là chính, nên mong muốn giảm tiếp giá cước của khách hàng cũng là hợp lý, nhất là trong bối cảnh các tuyến đường sắt phía Bắc đang chịu sức cạnh tranh mạnh mẽ từ đường bộ.
Theo thống kê của VNR, trong năm 2014, doanh thu vận tải hàng hóa tăng đến 26,4% so với năm 2013. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vận tải đường sắt vẫn còn nhiều tiềm năng nếu biết khai thác triệt để các lợi thế cạnh tranh về giá cước, tính ổn định của nguồn hàng.
Theo Giao thông vận tải.