Hơn 2 tuần kể từ cuộc họp xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không của Bộ Giao thông Vận tải, rất nhiều nhà đầu tư đã có đề xuất được nhượng quyền khai thác nhà ga sân bay, thậm chí toàn bộ sân bay.
Đầu tiên là hai hãng hàng không VietJet Air và Vietnam Airlines đề xuất mua nhà ga T1 Nội Bài. Trong khi VietJet Air muốn được nhượng quyền khai thác trong thời hạn 20 năm thì Vietnam Airlines đề xuất mua trực tiếp theo quy định định giá hiện hành.
Mới đây nhất đến lượt một tên tuổi khác là tập đoàn T&T đã gửi đến Bộ GTVT đề xuất mua sân bay Phú Quốc. Tập đoàn này đề xuất mua theo hai phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động. T&T cam kết nếu được nhượng quyền khai thác sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp sân bay Phú Quốc và không chuyển nhượng trong thời gian 5 năm.
Theo đánh giá của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phú Quốc được xây dựng chủ yếu bằng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nên việc bán quyền khai thác cho nhà đầu tư là có cơ sở và tính khả thi cao.
Sân bay Phú Quốc,được xây dựng với số vốn 3.000 tỉ đồng, chính thức được đưa vào khai thác ngày 15-12-2012.
Sân bay này đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và có thể tiếp nhận được các loại máy bay tầm xa, thân rộng như Boeing 777-300, Boeing 747-400 và Airbus A380-800.
Như vậy, chưa đầy một tháng sau thời điểm Bộ GTVT họp bàn để bán quyền khai thác sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài đã có 3 nhà đầu tư gửi đề xuất được mua các dự án này.
Đến thời điểm hiện tại các cơ chế bán quyền khai thác và giá cả vẫn đang trong quá trình xây dựng, sau đó là bước đàm phán với các nhà đầu tư. Bộ GTVT cũng cho biết trong trường hợp một dự án có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm thì sẽ phải đấu giá.
Ở lĩnh vực cảng biển, sau khi Chính phủ chấp thuận giảm phần vốn nhà nước nắm giữ ở các cảng biển một loạt nhà đầu tư đã ồ ạt đề xuất được mua cổ phần.
Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như Tập đoàn T&T đề nghị mua toàn bộ cổ phần của Nhà nước ở cảng Quảng Ninh; và mới đây nhất là Tập đoàn Vingroup đề xuất được mua 80% cổ phần của cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn.
Cũng liên quan đến cổ phần ở cảng Hải Phòng, trước đó đã có 2 nhà đầu tư đề xuất mua cổ phần là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (gọi tắt là Công ty VOI) và Ngân hàng VietinBank, trong đó VietinBank muốn hoán đổi nợ thành cổ phần tại cảng lớn nhất miền Bắc.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn