Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước đang phải gánh chịu việc tăng cước phí vận tải biển, các loại phụ phí vô lý của các hãng tàu nước ngoài.
Theo tính toán, từ tháng 6-2014 đến nay, giá cước công-ten-nơ đi thị trường Mỹ, Ca-na-đa đã tăng gần 70%; trung bình tăng khoảng 300 USD/tháng. Trong khi đó, đây lại là hai thị trường xuất khẩu hàng thủy sản lớn nhất nước ta, với giá trị hằng năm đạt khoảng 1,5 tỷ USD (chiếm hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu). Cũng theo VASEP, từ ngày 1-4 tới, các hãng tàu biển sẽ đồng loạt tăng các loại phụ phí như phí chứng từ hay loại phí vô lý nhất là phí mất cân bằng công-ten-nơ cũng tăng từ 60 lên 100 USD/công-ten-nơ 40 phit. Ðiều đáng nói là việc tăng giá cước, phụ phí diễn ra đồng loạt ở các hãng vận tải, với cách thức giống hệt nhau cho thấy, ở đây rõ ràng có sự bàn bạc, thông đồng giữa các hãng tàu biển để "làm giá".
Việc tăng giá cước bất thường đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhất là đối với hàng xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tại Việt Nam những năm gần đây luôn cao hơn từ 10% đến 15% so với các nước trong khu vực như Thái-lan, Phi-li-pin,... càng khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với hàng hóa các nước trong khu vực bị giảm sút, với những yếu tố bất lợi luôn thuộc về phía các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, khi xu hướng xuất CIF (bên bán hàng lo vận chuyển và đóng bảo hiểm) đang ngày càng phổ biến, sự bấp bênh về giá, bị động trong đàm phán và rủi ro thương mại càng tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ðược biết, một trong những lý do chính khiến các hãng tàu nước ngoài có cơ hội "ép giá", là do năng lực của đội tàu Việt Nam còn hạn chế, chỉ có khả năng hoạt động chung quanh khu vực châu Á, còn vận chuyển hàng hóa đi các nước Bắc Mỹ đang được phó thác 100% cho các doanh nghiệp nước ngoài. Với lợi thế độc quyền, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tăng cước hay phụ thu các loại phí vô tội vạ, bao gồm cả những loại được thu theo thông lệ quốc tế và những loại chỉ xuất hiện ở Việt Nam hoặc một vài nước đang yếu thế về vận tải biển. Tuy vậy, theo điều tra, mức phí ở các nước này vẫn thấp hơn so với tại Việt Nam, do có sự thỏa thuận giữa các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu và vận tải, thống nhất được mức thu, thời điểm thu hợp lý cho cả hai bên. Ðiều này thể hiện rõ vai trò quan trọng của các hiệp hội trong việc điều tiết giá thị trường ở những lĩnh vực Nhà nước không quản lý.
Trước tình hình xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền thị trường, thu phụ phí, cước phí một cách không có cơ sở và tăng giảm bất hợp lý của các hãng tàu biển nước ngoài, Bộ Giao thông vận tải cần báo cáo Chính phủ về vấn đề này; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển, có những chế tài kiểm soát cước phí, phụ phí trong sửa đổi Luật Hàng hải Việt Nam, giúp quản lý công khai giá cước của bất cứ hãng tàu biển nào có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những loại phụ phí bất hợp lý, không có trong thông lệ quốc tế cần được đưa vào văn bản pháp luật để cấm thu. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cũng cần nghiên cứu các quy định trong nước và quốc tế để hạn chế một số doanh nghiệp vận tải biển cố tình lợi dụng lợi thế độc quyền để cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, các hiệp hội cũng nêu cao vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp, tham mưu với các cơ quan quản lý một số giải pháp can thiệp kịp thời, ngăn chặn hữu hiệu nạn "ép giá" trong vận tải biển, chấm dứt tình trạng độc quyền, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trong nước.
Theo Nhân Dân.
|